Có điều rất cần cho mỗi chúng ta phải suy nghĩ về cuộc đời của chính mình, đó là tại sao chúng ta phải thờ phượng Ông Trời? Tại vì Ngài là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ trời đất. Chỉ có một mình Ngài có thẩm quyền tuyệt đối trên muôn loài vạn vật, kể cả loài người. Kinh sách dạy: Thiên sanh nhơn, nghĩa là Ông Trời sanh ra loài người. Chúng ta là con của Ngài.

Ngài là Đấng sanh ra và nuôi dưỡng chúng ta. Ngài nuôi dưỡng bằng cách điều hòa thời tiết cho có gạo, nước, dưỡng khí và nhiều vật cần dùng khác…. Những vị Đạo đức cao trọng trên thế gian chỉ là những người Thầy tốt, dạy những điều lành, nhưng không phải là Cha sanh ra chúng ta. Vậy mà nếu chúng ta không biết ơn Ông Trời, không thờ phượng Ông Trời theo cách đẹp lòng Ngai mà lại đi thờ phượng ai khác, thật là có tội rất lớn với Ông Trời.

Kính thưa quý vị,

Có một sự thật mà ít khi chúng ta suy nghĩ đến. Đó là mỗi chúng ta không tự tạo ra được chính mình để có mặt trên đất nầy. Vậy thì sự có mặt của chúng ta trên đất là ngẫu nhiên sao? Không phải như vậy. Vì mỗi một con người chúng ta thật là quý báu, cho nên sự hiện diện chúng ta trên đất phải có một ý nghĩa tốt đẹp, chớ không phải là một sự tình cờ may rủi. Dù chúng ta không biết hết những điều thuộc về cuộc đời của mình, nhưng có một Đấng biết rõ mọi sự về chúng ta. Đấng đó là Ông Trời, vì Ngài đã tạo dựng mỗi chúng ta.

Ông Trời là Đấng Tạo Hóa. Chúng tôi gọi Ngài là Đức Chúa Trời, là Thượng Đế, là Đấng Hằng sống, là Cha Thiên Thượng, là Cha Từ Ái. Cho nên khi đề cập đến những Danh xưng nầy, là chúng tôi nói đến Ông Trời.

Ông Trời tạo dựng chúng ta. Ngài cho chúng ta có hai giai đoạn sống, đó là:

Giai đoạn sống tạm trên đất, và

Giai đoạn sống đời đời.

Giai đoạn sống tạm trên đất trong khoảng trăm năm để chuẩn bị cho giai đoạn sống đời đời sau khi qua đời, từ giã cõi trần.

a) Trong giai đoạn sống tạm trên đất, ai cũng bất toàn. Nếu những tội lỗi chúng ta đã được tha thứ, chúng ta có sự thông công mật thiết với Cha Thiên Thượng là Đức Chúa Trời, thì khi giai đoạn sống tạm trên đất chấm dứt, chúng ta sẽ có giai đoạn sống đời đời phước hạnh với Cha Thiên Thượng trên trời.

b) Ngược lại, trong giai đoạn sống tạm trên đất, nếu tội lỗi chúng ta chưa được tha thứ, chúng ta không có sự thông công mật thiết với Cha Thiên Thượng, thì khi giai đoạn sống tạm trên đất chấm dứt, chúng ta sẽ bị phân cách với Cha Thiên Thượng vĩnh viễn và bị hình phạt đời đời vì tội lỗi của chính chúng ta. Vì Ngài là Đấng thánh khiết cho nên nếu tội lỗi chúng ta chưa được tha thứ thì chúng ta không được sống với Ngài.

Khi Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta, Ngài muốn mỗi chúng ta đều là những người con yêu dấu của Ngài, để giữa Ngài và chúng ta luôn luôn có tình thân ái Cha-con với nhau. Nhưng tiếc thay, chúng ta không chịu vâng theo ý Cha Thiên Thượng mà lại vô tình hay cố ý làm nhiều điều lỗi lầm theo ý riêng của mình. Những lỗi lầm đó làm cho chúng ta càng lúc càng xa cách Đức Chúa Trời, rồi vì xa cách Đức Chúa Trời thánh khiết chúng ta càng ngày càng phạm tội thêm. Nhưng cảm ơn Đấng Tạo hóa là Cha Từ Ái của chúng ta, dù chúng ta phạm tội, Ngài vẫn thương yêu và sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm chúng ta, và quý hơn nữa, Ngài bằng lòng “chấp nhận” chúng ta, nếu chúng ta chịu trở lại làm con cái của Ngài.

Nếu trở lại làm con cái của Cha Từ Ái thì chúng ta phải làm sao? Phần sau của bài viết nầy có đề cập đến.

Câu hỏi là bây giờ tình trạng cuộc đời của chính quý vị ra sao?

1. Quý vị đã được Cha Thiên Thượng chấp nhận trở lại chưa? Hay quý vị vẫn còn xa cách Cha Thiên Thượng của mình và đang phải bâng khuâng không biết cuộc đời của mình có ý nghĩa gì, và rồi linh hồn mình sẽ ra sao khi mình qua đời? Nếu vậy, xin quý vị hãy dành một ít thời gian để đọc bài viết nầy để quý vị có thể tìm thấy giải pháp tốt lành cho cuộc đời của chính quý vị. Vì trong bài viết nầy có ghi lại những Lời Yêu thương của Cha Thiên Thượng gởi đến cho quý vị.

2. Hay là quý vị đã được Cha Thiên Thượng chấp nhận trở lại làm con yêu dấu của Ngài rồi? Nếu vậy, thật là một phước hạnh lớn lao mà Cha Thiên Thượng đã ban cho quý vị. Xin quý vị hãy dành thời gian để đọc bài viết nầy, để có thêm tài liệu làm chứng lại ơn cứu chuộc của Cha Thiên Thượng cho nhiều người khác, để họ biết thế nào là tình yêu ngọt ngào mà Ngài đã dành cho quý vị, và Ngài cũng đang dành cho những người chưa biết đến Danh Ngài. Quý vị ơi, lẽ nào được ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời rồi quý vị yên lặng sao?

Xin mời quý vị cùng đọc.

VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI

I- QUÝ VỊ NGHĨ CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG?

Khi tạo dựng loài người, Ông Trời đã đặt cho loài người có lương tâm để loài người biết rằng có Ngài, dù không thấy Ngài. Người Việt Nam kêu: “Trời ơi!” Người Anh gọi: “Oh! My God!” Người Do thái gọi: “Ôi, Đức Giê-hô-va!”

Người nông dân Việt Nam khẩn nguyện rằng: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày.”

Trong lòng người ta luôn luôn tự nhủ rằng có Ông Trời. Cho nên người ta sợ Trời trả báo, sợ Trời đánh, sợ Trời hành, sợ Trời phạt.

Trong đời sống, người ta nói ăn cơm hột ngọc Trời ban, uống nước Trời cho, thở không khí của Trời. Đến ngày nào đó Trời kêu ai nấy dạ. Sau khi dạ, sẽ chầu Trời.

Khi chúng ta thấy muôn loài vạn vật thì chúng ta biết chắc chắn phải có một Đấng có quyền năng thật là lớn lao thì mới có thể tạo nên muôn loài vạn vật được. Đấng đó là Ông Trời, chúng ta gọi là Đấng Tạo Hóa, hay gọi là Đức Chúa Trời.

Thật ra thì chỉ cần việc nhỏ là cái nhà chúng ta đang ở, đâu phải là tự nhiên mà có. Cái nhà phải do người thợ xây cất. Thế thì sao mà cả bầu trời và vũ trụ lại tự nhiên mà có được? Phải là do Đức Chúa Trời Quyền năng tạo dựng nên.

II- ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG TẠO HÓA

Kinh Thánh xác nhận rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo hóa, vì Ngài là Đấng tạo nên muôn loài vạn vật.

1. Kinh Thánh chép: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài… Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.” (Kinh Thánh, Sáng thế ký 1:27)

2. Kinh Thánh chép: “Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó.” (Kinh Thánh, Xuất Ê-díp-tô-ký 20:11a)

3. Sách Nho cũng dạy: “Thiên sanh vạn vật, duy nhơn tối linh.”

VỀ LINH HỒN

I- LOÀI NGƯỜI CÓ LINH HỒN KHÔNG? TẠI SAO?

1. Loài người có linh hồn.

Về phương diện thể chất, chúng ta nhận thấy loài người và loài vật đều được tạo nên từ những hợp chất hóa học căn bản, cơ thể chúng ta và loài vật đều chứa hơn 70% là nước. Vì vậy, nếu loài người không có linh hồn, thì loài người không khác gì loài vật và không quý hơn loài vật. Nhưng thật sự thì loài người khác hơn loài vật và quý hơn loài vật vô cùng. Sở dĩ như vậy là vì loài người có linh hồn, Thượng Đế cũng ban cho con người có lý trí, có tình cảm và sự khôn ngoan để nhận biết Ngài.

2. Linh hồn của một người quý lắm:

Linh hồn hay thể xác của loài người đều rất quý. Riêng linh hồn thì thật là quý. Kinh Thánh nói: “xác chẳng có hồn thì chết.” (Kinh Thánh, Gia cơ 2:26). Đối với người chết, dù chúng ta có yêu thương bao nhiêu đi nữa thì chúng ta cũng phải đem thể xác người chết đó đi chôn hoặc thiêu hủy mà thôi. Vì linh hồn người nầy đã lìa thể xác.

3.- Đức Chúa Trời tạo dựng nên linh hồn:

Tiên tri Giê-rê-mi chép: “Thật như Đức Giê-hô-va hằng sống, là Đấng đã làm nên linh hồn nầy cho chúng ta.” (Kinh Thánh, Giê-rê-mi 38:16)

Đức Chúa Trời phán: “Các linh hồn mà Ta đã dựng nên…” (Kinh Thánh, Ê-sai 57:16)

Đức Chúa Giê-su phán một lời rất quan trọng về linh hồn rằng: “Người nào dù được cả thế giới mà mất linh hồn mình, thì được ích gì?” (Kinh Thánh, Ma-thi-ơ 16:26 BDM)

Khi nói “mất linh hồn” là Chúa Giê-su có ý nói linh hồn bị hình phạt đời đời trong Hồ lửa.

II- KHÔNG THẤY LINH HỒN, TÔI KHÔNG TIN?

Nếu nói: Vì tôi không thấy Đức Chúa Trời và không thấy linh hồn nên tôi không tin. Quý vị nghĩ sao?

Chúng ta không nhìn thấy tình thương nhưng chúng ta biết cha mẹ yêu thương chúng ta. Chúng ta không thấy lương tâm, lý trí, nhưng chúng ta tin có lương tâm, lý trí. Chúng ta không thấy dưỡng khí, nhưng chúng ta tin là có dưỡng khí để cho chúng ta thở… Cứ nhìn vào trật tự vận hành của vũ trụ, sự cao cả của nhân vị con người mà ta biết có Đức Chúa Trời tạo dựng muôn vật và tạo dựng con người có linh hồn.

Trên đời nầy rất nhiều điều hiện hữu dù chúng ta không thấy, nhưng chúng ta phải tin là có.

VỀ KINH THÁNH

I- LỊCH SỬ:

Kinh Thánh có cả thảy 66 sách khác nhau, được viết bởi 40 người trong khoảng 1.590 năm. Những người viết Kinh Thánh được gọi là “Trước giả Kinh Thánh,” vì họ không tự viết theo ý riêng, nhưng viết theo sự hướng dẫn bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh gồm có hai phần: Cựu ước và Tân Ước. Cựu Ước nói về Giao ước của Đức Chúa Trời với loài người, qua tuyển dân của Ngài là dân Do Thái. Tân Ước nói về Giao ước của Đức Chúa Trời với loài người, qua Con Ngài là Đức Chúa Giê-su.

Đến nay Kinh Thánh đã được dịch ra hơn 420 thứ tiếng. Riêng phần Tân Ước đã được dịch ra hơn 1.100 thứ tiếng. Kinh Thánh là quyển sách có nhiều người đọc nhất thế giới.

Quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh là sách Sáng thế ký, do Môi-se viết cách nay khoảng 3.500 năm. Quyển sách cuối cùng của Kinh Thánh là sách Khải huyền, do Sứ đồ Giăng viết cách đây khoảng 1.915 năm. Vậy thì Kinh Thánh là quyển sách đã có hàng ngàn năm, nhưng không bao giờ lỗi thời. Vì Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời cho mọi thời đại, vì “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.” (Kinh Thánh, II Ti-mô-thê 3:16)

II- CÁC TRƯỚC GIẢ KINH THÁNH:

Những người viết Kinh Thánh là những người sống trong những niên đại khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nghề nghiệp khác nhau. Nhưng lạ thay, những gì họ viết đều hòa hợp với nhau và có cùng một ý chính là bày tỏ tình yêu của Thượng Đế dành cho nhân loại và phương cách Thượng Đế đặt ra để cứu tội nhân. Có thể kể tên một số các trước giả Kinh Thánh như là:

– Môi-se là một người được nuôi như một hoàng tử trong cung vua. Ông viết 5 sách đầu tiên của Kinh Thánh, vào khoảng năm 1.440 BC.

– Giô-suê là một tướng lãnh. Ông viết sách Giô suê vào khoảng năm 1.390 BC .

– Sa-mu-ên là một tu sinh. Ông viết sách I Sa-mu-ên & II Sa-mu-ên vào khoảng năm 930 BC.

– Sa-lô-môn là một vị vua. Ông viết sách Truyền Đạo, gọi là Giáo huấn vào khoảng năm 910 BC.

– A-mốt là một người chăn chiên. Ông viết sách A-mốt vào khoảng năm 755 BC.

– Ê-sai là một vị Tiên tri viết sách Ê-sai vào khoảng năm 710 BC.

– Đa-ni-ên là một người Do Thái bị bắt làm phu tù và bị lưu đày qua xứ Ba-by-lôn. Ông viết sách Đa ni ên khoảng năm 537 BC.

– Nê-hê-mi là quan Tổng trấn. Ông viết sách Nê hê mi vào khoảng năm 435 BC.

– Gia-cơ là em của Đức Chúa Giê-su. Ông viết sách Gia cơ vào khoảng năm AD 47.

– Phao-lô là một Luật sư. Ông viết các sách Rô-ma, 1,2 Cô rinh tô, Galati… khoảng năm AD 58.

– Ma-thi-ơ là người thu thuế. Ông viết sách Ma thi ơ vào khoảng năm AD 60.

– Lu-ca là Bác sĩ. Ông viết sách Lu ca và Công vụ các sứ đồ vào khoảng năm AD 60.

– Giăng là người đánh cá. Ông viết các sách Phúc Âm Giăng, thơ Giăng 1,2,3 và Khải huyền vào khoảng năm AD 90.

III- ỨNG NGHIỆM VỀ CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊ-SU:

Trước khi Đức Chúa Giê-su giáng sanh nhiều trăm năm, có nhiều lời Tiên tri đã nói trước nhiều điều về Đức Chúa Giê-su và đã được ứng nghiệm hoàn toàn, có thể kể vài vị tiên tri như:

1. Tiên Tri Mi-chê:

Tiên tri Mi-chê sống trước khi Chúa Giáng sanh khoảng 750 năm, đã nói tiên tri nơi Giáng sanh của Chúa Giê-su. Ông viết: “Hỡi Bết-lê- hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Đấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng.” (Kinh Thánh, Mi-chê 5:1)

Lời tiên tri trên đã đúng. Sứ đồ Ma-thi-ơ ghi lại: “Đức Chúa Giê-su đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hê-rốt.” (Kinh Thánh, Ma-thi-ơ 2:1)

2. Tiên Tri Ê-sai:

Tiên tri Ê-sai sống trước khi Chúa giáng sanh khoảng 700 năm, đã nói tiên tri về sự sanh ra của Chúa Cứu thế rằng: “Nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt trên là Em-ma-nu-ên.” (Kinh Thánh, Ê sai 7:14)

Đúng vậy, Chúa Giê-su đã giáng sanh bởi nữ đồng trinh Ma-ri, Kinh Thánh ghi lại rằng nàng “chẳng hề nhận biết người nam nào.” (Kinh Thánh, Lu ca 1:34)

Tiên tri Ê-sai đã nói trước về sự chết của Đức Chúa Giê-su: “Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu.” (Kinh Thánh, Ê-sai 53:9). Sau lời tiên tri nầy khoảng bảy trăm năm, khi Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh thì người ta đã đặt Ngài ở giữa hai tên trộm cướp “một tên bên hữu, một tên bên tả.” (Kinh Thánh, Lu-ca 23: 33). Về sự chôn xác Đức Chúa Giê-su thì lúc đó có một người rất giàu tên là Giô sép. Ông ta sắm sẵn cái huyệt đã “đục cho mình trong hòn đá” (Kinh Thánh, Ma-thi-ơ 27: 60). Khi Chúa Giê-su đã chết thì chính Ông Giô sép xin xác Đức Chúa Giê-su đem chôn trong huyệt mả đá mà Ông đã làm cho mình. Nghĩa là Đức Chúa Giê-su được chôn cùng chỗ với kẻ giàu.

Lời Kinh Thánh còn ứng nghiệm nhiều điều khác nữa, nhưng chúng ta không thể kể hết trong bài viết ngắn ngủi nầy vì có trên 333 lời tiên tri trong Kinh Thánh đã được ứng nghiệm hoàn toàn.

VỀ LOÀI NGƯỜI

I- LOÀI NGƯỜI ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI TẠO NÊN

1. Đức Chúa Trời tạo nên loài người:

Kinh Thánh chép: “Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” (Kinh Thánh, Sáng thế ký 2:7)

2. Loài người được ở trong vườn Ê-đen phước hạnh:

Kinh Thánh chép: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen.”(Kinh Thánh, Sáng thế ký 2:15).

Đức Chúa Trời phán dạy loài người khi đặt họ vào trong vườn Ê-đen rằng: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.” (Kinh Thánh, Sáng thế ký 2:16-17)

Nhưng loài người đã ăn trái cây cấm đó. Họ phạm tội, vì chống lại mạng lịnh của Đức Chúa Trời và làm theo ý riêng của họ.

II- LOÀI NGƯỜI PHẠM TỘI CÀNG THÊM:

Khi loài người phạm tội, thì họ mất sự thông công mật thiết với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh ghi lại: “Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A-đam mà phán hỏi rằng: Ngươi ở đâu? A-đam thưa rằng: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ,.. nên đi ẩn mình.” (Kinh Thánh, Sáng thế ký 3:8-10)

1. Loài người còn phạm tội gì nữa?

Sau khi trốn tránh Đức Chúa Trời, loài người phạm thêm nhiều tội lỗi nữa, có thể kể những tội như là: “Gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy.” (Kinh Thánh, Ga-la-ti 5:19-21)

 

VỀ NGUỒN CỦA SỰ SỐNG

Kinh Thánh dạy rằng: “Nguồn sự sống ở nơi Chúa.” (Kinh Thánh, Thi Thiên 36:9). Đức Chúa Giê-su phán: “Ta là Con Đường, Chân lý và Nguồn Sống.” (Kinh Thánh, Giăng14:6). Chính Chúa là Nguồn Sống cho nên Ngài có quyền năng ban sự sống cho loài người.

 

1. Ý nghĩa chữ “sống” trong Kinh Thánh:

Kinh Thánh chép: “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó.” (Kinh Thánh, Giăng 3:36). Chữ “sống” trong Kinh Thánh có 3 ý nghĩa:

Sống thuộc thể: Khi một người còn sống trên đất, linh hồn hiệp một với thể xác, là sống thuộc thể.

Sống thuộc linh: Khi một người còn sống, được Chúa tha tội, có sự tương giao, có sự thông công với Nguồn sống là Đức Chúa Trời, thì người đó có sự sống thuộc linh.

Sống đời đời: Khi một người đang có sự sống thuộc linh mà nhắm mắt tắt hơi, linh hồn lìa khỏi xác và được đi về ở với Chúa. Người đó được sự sống đời đời.

 

2. Ý nghĩa chữ “chết” trong Kinh Thánh:

Tiếc thay loài người đã phạm tội chống lại mạng lịnh của Đức Chúa Trời cho nên loài người phải bị chết. Đức Chúa Trời phán: “Nầy, mọi linh hồn đều thuộc về ta; … linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.” (Kinh Thánh, Ê-xê-chi-ên 18:4)

Chúng ta nên để ý rằng trong chữ “chết” có diễn tả sự phân cách, như câu:“xác chẳng có hồn thì chết.” (Kinh Thánh, Gia-cơ 2:26). Trong Kinh Thánh chữ “chết” có 3 ý nghĩa:

Chết thuộc thể: Khi một người nhắm mắt tắt hơi, linh hồn phân cách với thể xác, gọi là chết thuộc thể.

Chết thuộc linh: Khi một người còn sống, nhưng vì đã phạm tội, tâm linh người đó bị phân cách với Nguồn Sống, là Đức Chúa Trời, người đó bị chết thuộc linh.

Chết đời đời: Một người đang chết thuộc linh mà nhắm mắt tắt hơi, thì linh hồn người đó sẽ bị ở nơi hình phạt đời đời là trong Hồ lửa “và diêm cháy bừng bừng” (Kinh Thánh, Khải huyền 21:8). Người đó bị xa-cách đời đời với Nguồn Sống là Đức Chúa Trời (Kinh Thánh, II Tê-sa-lô-ni-ca 1: 9). Người nầy bị gọi là chết đời đời.

Khi loài người phạm tội, tội lỗi đã phân cách loài người với Nguồn sống là Đức Chúa Trời mà Ngài là Nguồn phước, cho nên loài người dù còn sinh hoạt trên đất nhưng tại vì tội lỗi, nên họ không được phước và do đó họ không có sự bình an trong tâm hồn, như Kinh Thánh dạy rằng: “tội lỗi ác ngươi ngăn trở các ngươi được phước.” (Kinh Thánh, Giê-rê-mi 5:25b)

 

3. Án phạt dành cho tội lỗi:

Án phạt dành cho tội lỗi là sự chết: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết.” (Kinh Thánh, Rô-ma 6:23). Sự chết ở đây không những nói về sự chết thể xác mà còn nói về sự chết thuộc linh và sự chết đời đời. Một người dù giàu có, nhưng tội lỗi chưa được Cha Thiên Thượng tha thứ, thì tâm linh người đó không thể bình an và sự thỏa lòng được. Vì người nầy đang ở trong tình trạng chết thuộc linh.

 

4. Có thể tự mình làm lành để chuộc tội không?

Chắc chắn là không được. Vì trước mặt Đức Chúa Trời thánh khiết tuyệt đối, loài người phải thú nhận rằng: “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi.” (Kinh Thánh, Ê-sai 64: 6). Nghĩa là những điều chúng ta khoe là “thiện” chỉ là cái áo dơ nhớp, ô uế, không đủ tiêu chuẩn “thiện” trước mặt Đức Chúa Trời.

Người xưa dạy rằng: “Chung thân hành thiện, thiện do bất túc; nhất nhật hành ác, ác tự hữu dư.” Nghĩa là: “Cả đời làm lành, lành chưa đủ; một ngày làm ác, ác đã dư.” Điều nầy thật là đúng vì nếu chúng ta cả đời không phạm luật pháp mà nay chỉ cần phạm luật pháp một lần thôi, thì Tòa án sẽ tuyên án phạt chúng ta ngay.

Ví dụ: Người kia có lòng tốt, thường dùng chiếc xe của mình, tự mua xăng rước người bịnh đi Bác sĩ, rước người yếu đau đi bệnh viện, chở dùm cho người lỡ đường bị mưa gió về nhà. Nhưng ngày kia Ông nầy chạy xe gây tai nạn cán gãy chân một người. Ông bị đưa ra tòa. Tòa hỏi Ông có cán gãy chân người nầy không? Ông trả lời: “Dạ có, nhưng thưa Quan Tòa, tôi làm lành nhiều lắm, nay chỉ cán người ta gãy có một chân thôi, xin Quan Tòa cho tôi lấy công chuộc tội.” Tòa nói không được và đã tuyên án phạt Ông ta theo luật định.

Như vậy, loài người có tội và không có cách nào tự chuộc tội được, vậy thì tất cả loài người phải chết mất đời đời trong hồ lửa sao?

 

 

GIẢI PHÁP CỨU CHUỘC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI QUA CHÚA GIÊ-SU

I- NGUYÊN TẮC LÀ CÓ TỘI PHẢI ĐỀN TỘI:

 

Chúng ta biết rõ rằng khi một người phạm tội thì phải bị hình phạt. Đức Chúa Trời phán: “Mọi linh hồn đều thuộc về ta; … linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.”(Kinh Thánh, Ê-xê-chi-ên 18:4)

 

Chết là kết liễu sinh mạng. Kinh Thánh nói: “sinh mạng của xác thịt ở trong huyết.” (Kinh Thánh, Lê-vi-ký 17:11). Cho nên, Kinh Thánh xác định rằng: “không đổ huyết thì không có sự tha thứ.” (Kinh Thánh, Hê-bơ-rơ 9:22). Vì vậy khi đền tội, người đền tội phải chịu đổ huyết ra cho đến chết.

 

II- ĐỨC CHÚA TRỜI SAI ĐỨC CHÚA GIÊ-SU:

 

Vì án phạt của tội lỗi là sự chết, cho nên người phạm tội phải chết. Nhưng vì lòng nhơn từ, Đức Chúa Trời đã đưa ra giải pháp yêu thương để cứu tội nhân thoát chết. Giải pháp yêu thương đó là Đức Chúa Trời sai Con Ngài là Chúa Giê-su đến thế gian để chịu chết đền tội cho tội nhân, để cứu tội nhân. Vì vậy, Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Kinh Thánh, Giăng 3:16). Thánh Phao lô nói: “Đức Chúa Giê-su Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội.” (Kinh Thánh, I Ti-mô-thê 1:15)

 

III- ĐỨC CHÚA GIÊ-SU LÀ MỘT NGƯỜI VÔ TỘI:

 

Khi ở trần thế, Đức Chúa Giê-su dạy những điều ngay thẳng và quở trách những thầy tế lễ giả hình. Họ ghen ghét Đức Chúa Giê-su, họ bắt Ngài giải cho Quan Tổng Đốc Phi-lát, và bịa đặt điều gian dối để kiện Ngài.

 

1. Quan xử án Chúa:

Sau khi Phi-lát xét xử Đức Chúa Giê-su, “Phi-lát bèn nói với các thầy tế lễ cả và dân chúng rằng: Ta không thấy người nầy có tội gì.” (Kinh Thánh, Lu-ca 23:3-4)

Sau đó, một lần nữa, Phi-lát ra nói rằng: “Đây nầy, ta dẫn người ra ngoài, để các ngươi biết rằng ta không tìm thấy người có tội lỗi chi.” (Kinh Thánh, Giăng 19:4). Các thầy tế lễ cả, và các kẻ sai kêu lên rằng: “Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự, hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự! Phi-lát nói cùng chúng rằng: Chính mình các ngươi hãy bắt mà đóng đinh người; bởi vì về phần ta không thấy người có tội lỗi chi hết.” (Kinh Thánh, Giăng 19:6). Nghĩa là Quan xử án tuyên bố Chúa Giê-su vô tội.

 

2. Các Sứ đồ nói Đức Chúa Giê-su vô tội:

Sứ đồ Phi e rơ nói: “Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá;” (Kinh Thánh, I Phi-e-rơ 2:22)

Sứ đồ Giăng nói: “Ngài không có tội.” (Kinh Thánh, I Giăng 3:5b)

• Sứ đồ Phao lô nói Đức Chúa Giê-su là “Đấng vốn chẳng biết tội lỗi.” (Kinh Thánh, II Cô-rinh-tô 5:21)

• Kinh Thánh Hê bơ rơ nói Đức Chúa Giê-su “bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội.” (Kinh Thánh, Hê-bơ-rơ 4:15b)

 

IV- CHÚA GIÊ-SU TÌNH NGUYỆN CHỊU CHẾT:

 

Có phải Đức Chúa Giê-su tình nguyện chịu chết hay không? Hay là vì những kẻ bắt Ngài, những kẻ đóng đinh Ngài rất đông, Ngài không đủ sức chống trả? Nếu nói như vậy thì thật sự không đúng đối với Đức Chúa Giê-su. Vì Ngài không những là một người, mà Ngài còn là Ngôi Hai Đức Chúa Trời Toàn năng. Với quyền năng cao cả, dù La-xa-rơ đã chết, đã chôn trong mồ mả Ngài có quyền kêu sống lại. Ngài quở cây vả bên đường “cây vả tức thì khô đi.” (Kinh Thánh, Ma-thi-ơ 21:19). Khi gặp bão giữa biển, Ngài: “quở gió và phán cùng biển rằng: Hãy êm đi, lặng đi! Gió liền dứt và đều yên lặng như tờ.” (Kinh Thánh, Mác 4:39)… Thế thì ai có thể giết được Ngài, nếu Ngài quở trách họ, nếu Ngài phán bảo trái tim, buồng phổi của họ đừng hoạt động nữa. Họ phải chết ngay. Nhưng Đức Chúa Giê-su tình nguyện chịu chết. Ngài giải thích rằng: “Ta hy sinh tính mạng mình vì đàn chiên.”(Kinh Thánh, Giăng 10:15 BDM)

Vì luật đã định: “Không đổ huyết thì không có sự tha thứ” cho nên Đức Chúa Giê-su bằng lòng chịu đóng đinh trên thập giá, chịu chết bằng cách huyết của Ngài đã đổ ra để chuộc tội cho tội nhân. Cho nên Kinh Thánh nói: “huyết của Đức Chúa Giê-su, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta” (Kinh Thánh, I Giăng 1:7). Cảm tạ ơn Đức Chúa Giê-su, Ngài đã chết để quý vị và tôi được sống!

Nhưng Ngài không chết luôn mà….

 

V- CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI ĐỂ BẢO ĐẢM SỰ CỨU RỖI CHO CHÚNG TA:

 

Sau khi Đức Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá, người ta đem thân xác của Ngài chôn trong huyệt mả. Ba ngày sau, Đức Chúa Giê-su đã chiến thắng sự chết, Ngài sống lại và bước ra khỏi mồ mả cách vinh quang.

Kinh Thánh ghi rõ rằng: “Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh; và Ngài đã hiện ra cho Sê-pha, sau lại hiện ra cho mười hai Sứ đồ. Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy.” (Kinh Thánh, I Cô-rinh-tô 15:3-6)

Đức Chúa Giê-su sống lại để đảm bảo sự cứu chuộc cho chúng ta. Trong Danh Đức Chúa Giê-su, chúng ta cũng sẽ được Đức Chúa Trời khiến cho sống lại vào ngày Đức Chúa Giê-su tái lâm. Lúc đó “Sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời… bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết” (Kinh Thánh, I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17), sẽ được cất lên không trung mà gặp Chúa và chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.

 

VI- ĐỨC CHÚA GIÊ-SU SỐNG LẠI CHỨNG TỎ NGÀI LÀ ĐẤNG BAN SỰ SỐNG:

 

Chỉ có Đức Chúa Giê-su là Đấng đã từ kẻ chết sống lại. Chỉ có Ngài là Đấng đắc thắng sự chết và chỉ có Ngài là Đấng có năng quyền ban sự sống cho chúng ta. Thật vậy, chính Ngài phán rằng: “Phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống đời đời; Ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại nơi ngày sau rốt.” (Kinh Thánh, Giăng 6:40). Và “Cha khiến những kẻ chết sống lại và ban sự sống cho họ thể nào, thì Con cũng ban sự sống cho kẻ Con muốn thể ấy.” (Kinh Thánh, Giăng 5:21)

VII- ĐỨC CHÚA GIÊ-SU SỐNG LẠI CHỨNG TỎ CHỈ CÓ NGÀI LÀ CỨU CHÚA MÀ THÔI:

 

Chỉ có Đức Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời là Đấng đã sống lại, sau khi chết ba ngày. Trên trần thế nầy không có ai đã chết rồi mà đến ngày thứ ba sống lại được. Vì vậy chỉ có Đức Chúa Giê-su là Chúa Cứu Thế mà thôi, như Kinh Thánh khẳng định rằng: “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.”(Kinh Thánh, Côngvụ các Sứ đồ 4:12)

Chúng ta đặt đức tin nơi Chúa Giê-su để được cứu có nghĩa là chúng ta được Đức Chúa Giê-su tha tội, được cứu thoát khỏi hình phạt nơi Hồ lửa, và được làm con cái Đức Chúa Trời và được sống cùng Ngài phước hạnh đời đời ở Thiên đàng.

 

VIII- CHÚA GIÊ-SU GIÚP CHÚNG TA NỐI LẠI MỐI TƯƠNG GIAO VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI:

 

Đức Chúa Trời là Đấng Thánh khiết tuyệt đối. Từ khi loài người phạm tội, loài người đã bị phân cách với Đức Chúa Trời. Càng xa Đức Chúa Trời, loài người càng phạm tội nhiều hơn.

Chúng ta hãy tưởng tượng có một vực sâu và vực sâu nầy có hai bên bờ cách xa nhau. Đức Chúa Trời ở bên bờ thánh khiết; còn loài người chúng ta ở bên bờ tội lỗi. Bờ thánh khiết và bờ tội lỗi cách xa nhau thật xa! Xa cho đến nỗi loài người dù có cố gắng làm thiện, làm lành bao nhiêu đi nữa cũng không bao giờ có đủ công đức để bắc cầu nối được hai bờ vực thẳm đó lại với nhau để mà đến cùng Đức Chúa Trời.

Chỉ có Đức Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời vô tội mới tiếp xúc được với Đức Chúa Trời thánh khiết. Cũng chỉ có Đức Chúa Giê-su là Con Người vô tội mới chết thay cho tội nhân được. Vì vậy chỉ có Đức Chúa Giê-su là “Đấng Trung Bảo” nối tiếp được hai bên, một bên là Đức Chúa Trời, một bên là tội nhân. Cho nên Kinh Thánh xác nhận rằng: “Chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Giê-su Christ.” (Kinh Thánh, I Ti-mô-thê 2:5)

 

IX- BÂY GIỜ CHÚNG TA NÊN LÀM SAO?

 

Điều chúng ta cần làm là hãy đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-su—Đấng đã chết trên thập giá đền tội cho chúng ta—thì Đức Chúa Trời sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta. Thánh Linh của Chúa giúp chúng ta có sự thông công với Đức Chúa Trời và được gọi Ngài là Cha. Lời Chúa xác nhận như vậy, nói rằng: “hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.” (Kinh Thánh, Giăng 1:12). Thật là phước thay!

Tôi xin làm chứng lại cuộc đời tôi theo Chúa được nhiều phước hạnh để quý vị có thêm yếu tố quyết định. Thật ra, không phải chỉ có tôi, nhưng bất cứ người nào thật lòng tin nhận Chúa đều có một cuộc đời phước hạnh để chia xẻ cùng quý vị.

Tôi được sanh ra trong thập niên 40 và lớn lên trong một gia đình con dân của Chúa. Nhưng mãi cho đến năm 12 tuổi tôi mới quyết định tin nhận Đức Chúa Giê-su chết trên thập giá vì tội của tôi, tôi xin Chúa tha thứ tội cho tôi và xin Chúa nhận tôi làm con của Ngài. Từ lúc đó cuộc đời tôi luôn tràn ngập sự bình an và vui tươi trong lòng.

Ở Việt nam lúc đó, tôi lớn lên trong khói lửa và trưởng thành trong chiến tranh. Suốt đời tôi trước năm 1975 có thể nói là gần như ngày nào tôi cũng có nghe tiếng súng nổ, có khi gần, có khi văng vẳng xa xa… Nhiều lần nguy hiểm dẫn đến sự chết xảy ra với tôi, chỉ cách xa tôi trong gang tấc! Có khi đi từ Sài gòn về Rạch giá, tôi ngồi trên chiếc xe đò mà cuộc chiến đang còn diễn ra, hai bên đang còn bắn nhau phía trước. Chiếc xe chạy chậm chậm, trong lúc xác người còn nằm bên lề đường chưa kịp dời đi. Quá hiểm nguy, nhưng Chúa giữ cho tôi vẫn bình an. Có một lần, khoảng 100 người đang họp trong một Đình làng, bom nổ, chín người bị thương, năm người chết, nằm quanh tôi, nhưng Chúa cho tôi vẫn bình an. Cảm tạ ơn Chúa.

Vì đăt hết niềm tin nơi Chúa, nên lòng tôi lúc nào cũng thật sự được bình an. Có những lúc dường như phải “đi trong trũng bóng chết, tôi cũng chẳng sợ tai họa nào, vì Chúa ở cùng tôi.” (Kinh Thánh, Thi thiên 23:4). Vì chắc chắn ngay lúc đó, nếu tôi bước vào sự chết thì, Đức Chúa Trời sẽ đem tôi là “kẻ ngủ trong Đức Chúa Giê-su Christ đến với Ngài.” (Kinh Thánh, I Tê-sa-lô-ni-ca 4:14). Khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, tôi thấy mình vẫn còn sống sót, dù trải qua cuộc chiến dài gần ba mươi năm. Tôi cảm tạ ơn Chúa.

Có nhiều lúc gia đình tôi nghèo túng, nhưng Chúa cho gia đình tôi vẫn đủ ăn. Đức Chúa Trời là Đấng Năng quyền và cũng là Đấng Yêu thương, Chúa phán:“Không ai trông cậy Ngài mà lại bị hổ thẹn.” (Kinh Thánh, Thi-thiên 25:3), cho nên hôm nay nhìn lại, gia đình tôi gồm vợ chồng, ba con, một dâu và một rể, (một đứa chưa lập gia đình), tất cả chúng tôi đều hết lòng cảm tạ ơn Chúa vì ơn thương xót quá lớn lao của Ngài đã dẫn đưa gia đình chúng tôi từng bước đến cuộc sống tràn đầy phước hạnh như ngày hôm nay.

Năm nay tôi đã đến tuổi về hưu, nhìn lại cuộc đời mình theo Chúa hơn năm mươi năm, dù có những lúc nguy nan, nghèo thiếu, nhưng tôi thấy phước hạnh quá nhiều. Tôi không đủ lời để cảm tạ ơn Cứu Chúa của tôi về những điều tốt lành mà Ngài ban cho tôi và gia đình tôi. Có nhiều lần tôi vấp phạm, Chúa nhơn từ tha thứ, rồi Chúa cho tôi được tiếp tục theo Ngài. Ngài tiếp trợ khi tôi thiếu thốn. Ngài ở cùng tôi khi hoạn nạn. Ngài an ủi tôi khi ngã lòng. Ngài chăm sóc tôi khi đớn đau. Ngài vỗ về khi tôi thất vọng. Ngài mở lối khi tôi bị ở vào cảnh cùng đường…

Đức Chúa Trời đã làm ơn cho tôi, suốt cả đời sống của tôi, cho nên tôi đã được sống một cuộc đời tràn đầy phước hạnh trên đất nầy. Hơn thế nữa, rồi đây một ngày nào đó tôi sẽ từ giã cõi đời tạm nầy, để đi ở cùng Chúa Cứu Thế của tôi, là Đấng đã yêu tôi hy sinh chính mình Ngài chịu chết vì tôi. Tôi sẽ được ở với Ngài mãi mãi trên thiên đàng. Như Ngài đã hứa với tôi rằng: “Ta ở đâu con cũng ở đó.” (Kinh Thánh, Giăng 14: 3b BDM)

Cảm tạ ơn Đức Chúa Giê-su, nhờ dòng huyết cứu chuộc của Ngài tôi được phước hạnh quá nhiều trong đời nầy và cả ở đời sau.

Thưa quý vị, nhờ ơn cứu rỗi của Đức Chúa Giê-su mà một cuộc đời kém cỏi như tôi được nhiều hạnh phước. Phước của Chúa không phải để dành cho riêng ai, nhưng Chúa sẵn sàng ban cho tất cả những ai bằng lòng tin nhận Ngài. Chính Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Người nào đến với Ta, Ta sẽ không bao giờ ruồng bỏ.”(Kinh Thánh, Giăng 6:37 BDM)

NHV SUU TAM