“Chứng dối giả sẽ hư mất đi; nhưng người hay nghe theo sẽ nói được mãi mãi” (câu 28 BTT).
“Nhân chứng giả dối sẽ bị hư mất, nhưng người biết lắng nghe sẽ được nói mãi” (câu 28 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Chứng dối dẫn đến hậu quả nào cho người khác và cho chính mình? Kết quả của lời chứng chân thật là gì? Chúa Giê-xu dạy chúng ta cẩn thận khi khiển trách người khác ra sao?
Trong hai câu Châm Ngôn 21:28–29 có sự đối ý giữa người làm chứng dối với “kẻ ác”, còn người biết lắng nghe có sự đối ý với “người ngay thẳng.” Ngày trước, lời chứng trước tòa của hai nhân chứng trở lên là một trong những chứng cớ để tòa luận tội, vì vậy khi nói đến làm chứng là nói đến hành động liên quan đến kết quả xét xử đúng sai, phán xét công minh hay bất công. Lời nói của người làm chứng rất quan trọng, người không biết lắng nghe rất dễ có những nhận định hấp tấp, sai lầm, thiếu khách quan và dẫn đến lời làm chứng không chính xác. Nhân chứng phải là người trực tiếp biết rõ về sự kiện, đưa ra lời chứng trung thực dựa trên những gì tai đã nghe và mắt đã thấy. Nếu người làm chứng nghe không cẩn thận, nhìn sự việc không rõ ràng, hoặc có dã tâm hại người thì rất dễ làm chứng dối. Trong lời dạy của vị vua khôn ngoan tại đây, người làm chứng dối khác nào người có lòng dạ gian ác, vì lợi quên nghĩa, nên đã “tự làm mặt chai mày đá”nói lên những lời chứng không chân thật, cố tình nói khi chưa nắm rõ vấn đề. Cụm từ này hàm ý chỉ về những người mang bộ mặt trơ trẻn, mặt dày mày dạn, họ biết những lời chứng của họ không đúng sự thật nhưng vẫn nói. Họ chỉ quan tâm đến bản thân và lợi ích của họ mà xem nhẹ cuộc sống ngay thẳng, không màng đến lợi ích của người khác và của cộng đồng. Những lời chứng sai trật của họ đã dẫn đến hậu quả là người công chính phải bị xử oan. Dĩ nhiên người sống như vậy là người bất tuân mệnh lệnh của Chúa, nếu cứ miệt mài trong nếp sống sai trật đó, cuộc đời họ sẽ đi vào sự hư mất.
Ngược lại, người biết lắng nghe là người nghe cách chăm chú, cẩn thận, tỉnh táo để có thể đưa ra lời chứng chính xác, đáng tin cậy. Kết quả của lời chứng đúng đắn, chân thật sẽ làm cho người ngay thẳng được vững bước trên đường đời và có được bình an trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống. Lời chứng chân thật bày tỏ sự thánh khiết của Chúa, giúp người công chính được minh oan, và cũng giúp cho người phạm tội nhận biết tội lỗi, ăn năn quay trở lại với Chúa. Chúa Giê-xu dạy chúng ta phải hết sức cẩn thận khi khiển trách lỗi lầm của anh chị em mình, phải có người làm chứng và phải đối thoại trực tiếp, “Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn” (Ma-thi-ơ 18:16).
Lời nói của bạn có luôn là lời chân thật không?
Tạ ơn Chúa đã nhắc nhở con trong lối sống hằng ngày. Xin giúp con luôn sống kính sợ Chúa, có lời nói ngay thẳng, chân thật để bày tỏ sự công chính và yêu thương của Chúa.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Phục Truyền Luật Lệ Ký 1.