“Chớ bóc lột kẻ nghèo, bởi vì họ nghèo, cũng đừng hà hiếp người khốn khổ nơi cửa thành” (câu 22).
Câu hỏi suy ngẫm: Trước giả đã mô tả hành động bóc lột người nghèo bằng hai hình thức nào? Chúa sẽ phạt người bóc lột người nghèo như thế nào? Nhận biết của cải chỉ là phương tiện đã thay đổi cách bạn cư xử với người nghèo ra sao?
Đức Chúa Trời là Đấng công chính, thánh khiết và yêu thương nên Chúa cấm không được bóc lột người nghèo. Trong câu 22, hành động bóc lột người nghèo được mô tả bằng một trong hai hình thức. Thứ nhất, bóc lột trực tiếp qua cách sống hà hiếp người nghèo. Người giàu dùng sự khôn lanh để lừa lọc, hoặc lợi dụng hoàn cảnh hoạn nạn của người nghèo để bóc lột họ. Nhiều người khi lâm vào cảnh bệnh hoạn, tang chế nên phải vay mượn người giàu, từ đó người giàu có thiếu lương tâm đã lợi dụng hoàn cảnh của họ để chèn ép, nhẫn tâm hà hiếp, kiếm lời quá mức. Họ đã đẩy người nghèo vào cảnh trở thành nô lệ cho họ. Luật Chúa ngăn cấm không được lấy tiền lời anh chị em mình khi cho vay (Phục Truyền 23:20), nói chi đến việc bóc lột lẫn nhau. Thứ hai, người giàu đã cậy quyền thế, hối lộ tòa án để hà hiếp người nghèo. Cụm từ “nơi cửa thành” hay “cổng thành” ngày trước là chốn công đường, nơi xét xử, thực thi pháp luật (Phục Truyền 21:19). Nơi đó có những người cai trị, quan tòa xét xử trong cộng đồng. Hành động dùng thế lực, tiền của, hối lộ quan án để ức hiếp người nghèo là làm điều ác trước mắt Chúa.
Câu 23 cho thấy Đức Chúa Trời bênh vực và báo trả cho người nghèo. Chúa “bênh vực duyên cớ” của người nghèo nên Ngài sẽ “đoạt lấy sự sống của kẻ có cướp lột.” Hành động ức hiếp người nghèo là tội lỗi không chỉ với con người nhưng cả với Chúa. Khi một người dựa vào tiền của, thế lực để hà hiếp người nghèo, thì người ấy phải nhớ rằng dù người nghèo không làm gì được họ, Đức Chúa Trời cũng sẽ báo ứng những điều họ làm. Hậu quả người ác phải gánh chịu không chỉ là thiệt hại về vật chất, tiền của, nhưng còn là mất “sự sống.” Khi Chúa đã đoạt lấy sự sống của người giàu gian ác, thì dù họ có chứa đầy tiền của trong nhà cũng chẳng hưởng được gì.
Khi Cơ Đốc nhân nhận biết của cải chỉ là phương tiện phục vụ cuộc sống thì không cớ gì lại phải bóc lột người nghèo khó. Đời sống chúng ta trên đất chỉ là tạm, mạng sống chúng ta thuộc về Chúa, nói chi đến của cải, nên đừng ai vì tiền bạc mà phạm tội với Chúa. Lời Chúa phán: “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai? Hễ ai thu trữ của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy” (Lu-ca 12:20–21). Hãy hướng đến sự sống đời đời để bày tỏ sự công chính, yêu thương trong lối sống hằng ngày.
Bạn đã đối xử với người nghèo khó ra sao?
Cảm tạ Chúa đã ban cho con sự sống và thức ăn đủ dùng hằng ngày. Xin cho con biết hướng đời con đến sự sống đời đời và biết thương xót người nghèo như Chúa đã thương xót và ban ơn cho con.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Rô-ma 10.