“Đức Giê-hô-va phán: Vì Ta biết ý tưởng Ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình” (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Thời hạn Đức Giê-hô-va định cho dân Chúa phải chịu phu tù tại Ba-by-lôn là bao lâu? Sau thời hạn ấy, Đức Giê-hô-va hứa sẽ làm điều gì cho người Ít-ra-ên? Lời hứa của Chúa đem đến cho tuyển dân niềm hy vọng nào? Bài học lịch sử này giúp gì cho bạn khi đối diện với nghịch cảnh?

Con số bảy mươi năm làm phu tù tại Ba-by-lôn là một khoảng thời gian khá dài mà tuyển dân Ít-ra-ên phải nhẫn chịu. Thời gian đó vừa là án phạt cho những tội lỗi họ đã phạm với Đức Chúa Trời, vừa là để trải qua đợt rèn thử về sự vâng lời và tin cậy Đức Chúa Trời của họ. Hết thời hạn Đức Giê-hô-va ấn định, Ngài sẽ thăm viếng họ, sẽ làm trọn lời hứa tốt lành cho dân của Chúa và Ngài sẽ đem họ trở về nơi quê hương (câu 10).

Thoạt đầu, khi những sự đau thương lần lượt diễn ra, từ việc quân đội phương Bắc tấn công, cướp phá vật dụng trong đền thờ, bắt dân đi phu tù… cho đến khi họ hoàn toàn thất thủ và chịu đầu hàng, chắc chắn không lúc nào họ quên kêu cầu sự cứu giúp từ Đức Giê-hô-va. Điều này có thể thấy khi bị vua Ba-by-lôn tấn công, Vua Sê-đê-kia đã sai người đến với Tiên tri Giê-rê-mi để cầu xin sự giải cứu từ Đức Giê-hô-va, nhưng sự đáp lời của Ngài không như điều họ mong muốn (Giê-rê-mi 21:1–2). Có thể khi trải qua những hoàn cảnh bi đát như vậy, trong lòng không ít người đã hoàn toàn suy sụp khi nghĩ rằng Đức Giê-hô-va đã từ bỏ họ và tương lai họ thật sự thê thảm. Nhưng nội dung trong câu 11 của bức thư Tiên tri Giê-rê-mi gửi đến dân Chúa là một tin tức vui mừng, chứa đựng niềm hy vọng và sự trông cậy lớn lao cho họ. Bảy mươi năm, có thể sẽ có một số người không còn sống để chứng kiến ngày phước hạnh cho riêng họ vì tuổi tác đã quá cao, nhưng lời hứa quý báu từ Đấng Thành Tín rằng chương trình tốt lành đến từ ý tưởng bình an của Ngài dành cho họ là một cớ trông cậy cho toàn thể dân Chúa nói chung.

Con dân Chúa không miễn trừ khỏi nghịch cảnh. Bài học lịch sử này giúp chúng ta hiểu được nghịch cảnh là cơ hội để chúng ta nhìn thấy chính mình, nhận biết được tình trạng đức tin và lòng trông cậy của mình nơi Chúa, và quan trọng hơn hết chúng ta thấy được ý tưởng tốt lành của Đức Giê-hô-va dành cho con dân Ngài. Vì thế, hãy tiếp tục trông cậy và đón nhận ý tưởng bình an mà Ngài đối cùng chúng ta để có thể vui mừng trọn vẹn trong cuộc sống (Gia-cơ 1:2–4).

Bạn có nhận ra ý tưởng bình an mà Đức Chúa Trời đối cùng bạn khi đang ở trong nghịch cảnh không?

Lạy Chúa, bài học lịch sử của tuyển dân Ít-ra-ên giúp con nhận thấy được tình yêu thương diệu kỳ mà Ngài đã dành cho dân Ngài, điều này thêm cho con niềm trông cậy nơi tình yêu và sự nhân từ của Chúa để tiếp tục vượt lên nghịch cảnh, đón nhận ý tưởng bình an của Ngài dành cho con.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sa-mu-ên 13:1–27.

Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=4oqpOQqiIWc&list=PLy5dD_318r0Xhv_5x80_GTFtcDAwWPiF7&index=31

Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=aCD-4_oSK7I&list=PLy5dD_318r0U_XcLsZQjw1VG9xnYeKOz1&index=14

Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien