“Hỡi anh em, anh em đã tin đến Đức Chúa Giê-xu Christ, là Chúa Vinh Hiển chúng ta, thì chớ có tây vị người nào” (câu 1).
Câu hỏi suy ngẫm: Lời khuyên đừng tây vị nghĩa là gì? Ông Gia-cơ nêu ra trường hợp cụ thể nào Hội Thánh đầu tiên biểu hiện sự phân biệt đối xử? Hội Thánh ngày nay được nhắc nhở như thế nào về việc này?
Ông Gia-cơ gửi lời khuyên đến những người đã tin Chúa Giê-xu Christ mà ông gọi là “anh em,” dạy họ “chớ có tây vị người nào.” Từ “tây vị” hay “thiên vị” trong nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là “nhận theo mặt hay nể mặt,” ý nói việc nhận định, tỏ thái độ dựa theo vẻ bề ngoài, chẳng hạn qua diện mạo, địa vị, chủng tộc, giai cấp… Trong xã hội các tín hữu đầu tiên sinh sống thì đó là cách người ta đối xử với nhau. Nhưng ông Gia-cơ khẳng định rằng thái độ này không xứng hợp với đức tin Cơ Đốc vì đi ngược lại nguyên tắc yêu thương và công bằng cho mọi người trong sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu.
Trong các câu 2–4, ông Gia-cơ nêu ra một trường hợp cụ thể về sự thiên vị mà Hội Thánh có thể mắc phải. Đó là việc sắp xếp chỗ ngồi trong khi nhóm lại thờ phượng Chúa: người giàu, ăn mặc sang trọng thì được xếp vào chỗ tốt; còn người nghèo, ăn mặc rách rưới, thì không được xếp chỗ hoặc thậm chí bắt ngồi dưới đất. Người cư xử như vậy “đã phân biệt đối xử và lấy ý xấu mà xét đoán” (câu 4 BTTHĐ). Dù không nói ra nhưng rõ ràng người phân biệt đối xử đó đã nghĩ rằng người giàu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho mình hoặc cho Hội Thánh nên cần được ưu ái hơn.
Trong cuốn hồi ký của mình, nhà lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi (1869—1948) kể lại câu chuyện thời sinh viên. Khi đó ông cảm thấy tò mò về đức tin Cơ Đốc và rất thích thú những lời dạy của Chúa Giê-xu. Một Chúa Nhật nọ, ông quyết định tìm đến một nhà thờ nhưng bị người tiếp tân chặn lại không cho vào, bảo rằng nhà thờ này chỉ dành cho những người da trắng. Sự phân biệt đối xử đó khiến ông quay lưng lại với Cơ Đốc giáo. Sự thiên vị khiến cho đạo Chúa bị gièm pha vì thông điệp yêu thương và công bằng chỉ là lý thuyết mà không được thể hiện ra trong sinh hoạt của Hội Thánh.
Thiên vị là một xu hướng cố hữu trong con người tội lỗi, và nó cũng hiện diện trong Hội Thánh trải qua bao thời đại. Thành viên dâng hiến nhiều thì có tiếng nói mạnh hơn. Thành viên có địa vị cao bên ngoài xã hội thì cũng được đối đãi ưu ái hơn. Nếu Chúa là Đấng nhìn vào tấm lòng, vậy tại sao chúng ta lại xét đoán theo vẻ bề ngoài? Nếu Chúa đã yêu chúng ta vô điều kiện, tại sao chúng ta lại đối đãi phân biệt với anh chị em mình? Xin Chúa giúp chúng ta sống cuộc đời bày tỏ tình yêu thương của Ngài.
Bạn có đang thiên vị trong cách đối xử với người khác hay không?
Lạy Chúa, con thành thật xưng nhận rằng đã nhiều lần con đối xử với người khác cách thiên vị. Xin tha thứ cho những yếu đuối của con, và xin Thánh Linh Ngài biến đổi tấm lòng con để có thể nhìn thấy mọi người như cách Ngài nhìn thấy họ.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sa-mu-ên 20.

Văn Phẩm Nguồn Sống:
https://www.vpns.org/dang-hien

Nghe Kinh Thánh hôm nay:

Nghe Kinh Thánh trong ba năm:

Nghe Kinh Thánh online:
https://nghekinhthanhviet.org

Nghe Kinh Thánh trên Youtube:
https://www.youtube.com/kinhthanhviet