“Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp này, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quỳ lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó” (câu 4–5a).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa nghiêm cấm dân Chúa không được làm gì và tại sao? Từ “ghét” trong câu 6 có nghĩa gì? Phân đoạn Kinh Thánh này cho bạn biết gì về Chúa? Bạn cần cảnh giác hay thay đổi điều gì để Chúa vui lòng?
Trong Điều Răn Thứ Hai, có ba điều Chúa nghiêm cấm. Trước tiên, Chúa nghiêm cấm dân Chúa làm tượng chạm cho chính mình (câu 4a). Làm tượng chạm cho mình thể hiện ý muốn tôn vinh chính mình. Từ việc hãnh diện sẽ trở thành kiêu ngạo, rồi đến tự tôn mình là thần. Muốn mọi sự tập trung hướng về mình là muốn chiếm lấy vị trí chủ tể của Chúa trong đời sống mình.
Thứ hai, Chúa nghiêm cấm việc chạm hình tượng Chúa giống các tạo vật của Ngài (câu 4b). Vì Đức Chúa Trời là Chân Thần vô hình, nên việc tạo bất cứ hình tượng nào xem như đại diện cho Chúa để thờ lạy đều là bất xứng và xúc phạm đến Chúa (Phục Truyền 4:12, 15–19). Chúa gớm ghiếc việc thờ thần tượng, nếu con dân Chúa làm hình tượng cho người khác thờ lạy cũng đồng phạm với họ (Phục Truyền 4:19, 23–28).
Thứ ba, Chúa nghiêm cấm con dân Ngài quỳ lạy trước các hình tượng và phục vụ chúng nó (câu 5a). Mọi hình thức quỳ lạy trước các hình tượng vì cả nể hay vì sợ sệt trước thế lực nào đó của con người đều sai phạm trước mặt Chúa. Ba bạn của ông Đa-ni-ên đã từ chối quỳ lạy trước tượng vàng của Vua Nê-bu-cát-nết-sa dù phải bỏ mạng sống mình (Đa-ni-ên 3:12–27).
Lý do Chúa nghiêm cấm là vì Đức Chúa Trời kỵ tà (câu 5b). Từ “kỵ tà” cũng được dịch là “ghen tuông.” Ghen tuông là một biểu hiện của yêu thương. Đức Chúa Trời quá yêu thương tuyển dân, Ngài ví sánh họ như cô dâu trong giao ước hôn nhân, Ngài là chàng rể có quyền chiếm lĩnh trọn vẹn tình cảm của vợ. Với đức thánh khiết và công chính của Chúa, Ngài sẽ hình phạt cả tình địch lẫn người vợ lang chạ, ngoại tình.
Người “ghét” Chúa là người chống đối Luật Pháp của Chúa, hành dâm với tà thần. Chúa sẽ nhân tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời. Hình phạt con cháu kéo dài đến ba bốn đời chứng tỏ Chúa xem tội lỗi này rất nghiêm trọng (câu 5). Nhưng Chúa nhân từ hay thương xót, Ngài đã nương tay, rút hình phạt khi người phạm tội biết hạ mình ăn năn (I Các Vua 21:1–29, Giô-na 3). Và Ngài làm ơn đến ngàn đời cho những ai yêu mến Ngài và giữ các điều răn Ngài (câu 6). Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã tạo dựng, cứu chuộc, yêu thương, đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta, Ngài xứng đáng ở vị trí độc tôn trong tâm trí chúng ta.
Có thần nào khác đang ngự trị trong đời sống của bạn không?
Lạy Chúa! Xin giúp con luôn kính yêu, thờ phượng Chúa phải lẽ, để con chiến thắng mọi cám dỗ muốn tôn chính mình làm thần, việc làm hình tượng, thờ lạy, và phục vụ chúng.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: E-xơ-ra 7.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien