“Nước Cha được đến” (câu 10a).
Câu hỏi suy ngẫm: Khi nói đến “Nước” hay “Vương Quốc” bạn nghĩ đến điều nào? Một người thờ phượng Chúa phải mong đợi điều gì? Bạn có đang thật sự mong đợi điều này không? Nếu có, sự mong đợi của bạn được bày tỏ ra sao?
Trang nhà chính thức của đài truyền hình CNN cho biết hộ chiếu có giá trị quyền lực nhất trên thế giới năm 2019 thuộc về Nhật Bản. Hộ chiếu đó có thể đi đến 190 quốc gia trong số 193 quốc gia và 6 vùng miền thuộc về thành viên của Liên Hiệp Quốc. Có lẽ nhiều người mong ước mình được sở hữu hộ chiếu quyền lực nhất này. Nhưng đừng quên rằng không có bất cứ hộ chiếu quyền lực nào trên thế giới có thể đưa một tội nhân vào Nước Trời. Chỉ có những người tin nhận Chúa Giê-xu mới sở hữu một hộ chiếu đặc biệt, không làm bằng giấy nhưng bằng chính sự chết và sống lại của Chúa Giê-xu; hộ chiếu ấy mới có thể “giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài” (Cô-lô-se 1:13).
Một người kinh nghiệm sự cứu rỗi, có sự thờ phượng thật, là người luôn mong mỏi và tìm kiếm “Nước Cha được đến.” Nước Cha không nói về phương diện địa lý. Tân Ước đề cập đến hai khía cạnh của “Nước Cha”: Vị Vua của “Nước Cha” đó là Chúa Giê-xu; và sự cai trị của Vua Giê-xu. Trong hiện tại, Vua Giê-xu đang cai trị trong tấm lòng của con dân Ngài. Là người cầu nguyện và thờ phượng Chúa, chúng ta có thật sự tìm kiếm sự cai trị của Chúa Giê-xu trong đời sống mình qua thân vị của Chúa Thánh Linh không? Ý muốn Chúa đang đóng vai trò nào mỗi khi chúng ta đứng trước những quyết định hay chọn lựa trong đời sống? Khi chọn lựa trong hôn nhân, chúng ta tìm kiếm người “đẹp mắt con” (Các Quan Xét 14:3), hay người Chúa chọn cho mình? Những tiêu chuẩn nào chi phối chúng ta khi tìm kiếm một việc làm? Chúng ta đang phục vụ Chúa trong mục vụ mình muốn, mình ưa thích, hay đó là chức vụ Chúa kêu gọi? Khi Chúa Thánh Linh cáo trách hay dạy dỗ điều gì, chúng ta có sẵn lòng vâng lời hay “dập tắt Thánh Linh” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:19)?
Việc mong “Nước Cha được đến” còn được bày tỏ qua việc khao khát có nhiều người biết Chúa Giê-xu và tin nhận Ngài. Ngày nay, giữa cuộc sống bề bộn lo toan, chúng ta có còn nuôi dưỡng lòng khát khao đem Phúc Âm của Chúa đến cho những người chưa tin?
Nhưng chúng ta không chỉ mong đợi “Nước Cha được đến” trong ý nghĩa thuộc linh mà còn mong đợi ngày Chúa của chúng ta thật sự đến để thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm Bình An, và chúng ta, những người được chuộc bởi máu Chiên Con, sẽ cùng Ngài cai trị. Chúng ta cần phải sống trong tinh thần mong đợi ngày Chúa tái lâm. Khi cầu nguyện “Nước Cha được đến” thì chúng ta phải hết lòng hiệp một với anh chị em trong sự thờ phượng Chúa để cùng nhau chờ ngày Ngài trở lại.
Bạn có sống đúng với tinh thần của lời cầu nguyện “Nước Cha được đến” không?
Lạy Chúa, mọi vinh hoa của thế gian này sẽ qua đi, xin cho con luôn sống trong niềm trông đợi sự trở lại vinh quang của Đấng con yêu thương.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 58–59.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien