Trong thứ bảy tuần trước chúng ta đã bắt đầu cùng nhau theo dõi phần mở đầu của sách ‘Sức Khỏe Đơn Giản’ trong đó tác giả Harrold G. Koenig và Dave B. Biebel, là những người sáng lập và đồng giám đốc Trung Tâm Thuộc Linh Thần Học và Y Tế của trường đại học Duke University Medical Center.
Khỏe mạnh thực sự bao gồm bốn lãnh vực trong cuộc sống: thân xác, trí tuệ, tâm linh, và những mối quan hệ xã hội. Các tác giả này tin rằng chúng ta có thể đạt tới mức khỏe mạnh và nếu làm theo những nguyên tắc đơn giản trong sách này thì chúng ta sẽ thấy sức khỏe mình được cải thiện cách kỳ lạ.
Sau khi trình bày cho chúng ta về uy tín và khả năng của họ, các tác giả cuốn sách nhấn mạnh rằng: Khỏe mạnh thay đổi theo tuổi tác, thời gian, và đôi khi còn theo hoàn cảnh và sách này sẽ giúp bạn khám phá ra một cách sâu sắc rằng mình khỏe mạnh bất chấp lập luận hợp lý nào vì cảm nhận khỏe mạnh đặc biệt là việc riêng tư của từng cá nhân. Hôm nay chúng ta sẽ cùng theo dõi các tác giả trình bày tiếp như sau:
XÁC ĐỊNH MỨC KHỞI ĐẦU
Vì sự khỏe mạnh của bạn chỉ thực sự do bạn tự định cho mình, nên chúng tôi muốn bạn có khái niệm cơ bản về sức khỏe của mình trước khi bạn đi sâu hơn vào nội dung sách này. Vì vậy, chúng tôi có đưa ra ‘Kiểm tra sức khỏe’ ngay dưới đây và một lần nữa vào cuối sách. Mức khởi đầu thường là thước đo hoặc số điểm xác định ngay từ đầu một tiến trình. Thí dụ, tiến trình trị bịnh, giúp người trong cuộc theo dõi tiến triển quá trình tiếp diễn.
Để sử dụng kiểm tra này hiệu quả nhất, trước khi trả lời câu hỏi, bạn hãy đánh giá mức khỏe mạnh toàn diện hiện nay của mình theo thang điểm 100 (chỉ số khỏe của bạn). Hãy ghi con số đó khi có yêu cầu trong bảng câu hỏi. Sau đó trả lời các câu hỏi, tính kết quả, và xem tổng số điểm so với đánh giá của bạn. Sau khi dọc xong sách và thực hiện những gợi ý tăng cường sức khỏe trên trang sách, bạn sẽ có cơ hội làm kiểm tra lại và thấy chỉ số khỏe của mình có thay đổi.
Chúng tôi khích lệ bạn đọc từng chương theo tốc độ thích hợp nhất đối với mình nhằm tiếp thu và áp dụng các nguyên tắc cho chính cuộc sống bạn. Hãy đọc với quan điểm vì sức khỏe bản thân, và đừng so sánh mình với bất kỳ người nào khác dường như có đủ mọi sự. Chẳng ai, ngay cả những cơ thể rắn chắc và những lãnh tụ tinh thần thật sung sức của người theo Ân độ giáo (Hindu) trên TV cũng chẳng bao giờ có được sức khỏe vẹn toàn dưới trời này. Nhưng đó là điều chúng ta trông mong khi lên thiên đàng!
Trong lúc chờ đợi, chúng ta tin rằng mỗi người đều có cách cải thiện chỉ số khỏe của mình trong lãnh vực thể xác, trí tuệ, tâm linh, và các mối quan hệ. Đây là ước mong của chúng tôi cho bạn khi bạn đọc các trang sách này – một nhận thức mới và đổi mới về sức khỏe cùng sự thỏa lòng đối với bản chất con người mình và với mục đích mình được tạo dựng.
KIỂM TRA SỨC KHỎE
Đánh giá chỉ số khỏe của bạn: _____
Trước khi bắt đầu bảng câu hỏi, hãy đánh giá chỉ số khỏe hiện tại của bạn (mức khỏe toàn diện hiện tại) theo thang điểm 100, rồi ghi vào khoảng trống ở trên. Sau đó so sánh với điểm tổng cộng sau khi bạn trả lời các câu hỏi.
Hãy trả lời các câu hỏi dưới đây trước khi bạn bắt đầu đọc sách này. Đánh số cho từng câu hỏi, dùng thang điểm 1-5 dưới đây tùy theo mức độ đúng của câu phát biểu đối với bạn. Nếu có ý nào không bao giờ đúng với bạn, thì cứ để trống hoặc ghi số 0. Sau khi trả lời hết các câu hỏi, hãy cộng chung điểm. Tổng số điểm, chính là ‘chỉ số khỏe’ hiện tại của bạn. Xem chú thích dưới đây để hiểu và sử dụng cách cho điểm.
1. Không thường xuyên đúng
2. Đôi khi đúng
3. Có lẽ/không thể quyết định
4. Thường đúng với tôi
5. Luôn luôn đúng
Bây giờ xin mời bạn hãy trả lời các câu hỏi dưới đây:
1.Tôi thích cười nhiều hoặc thích hài hước. ____
2.Tôi luyện tập tâm trí bằng cách tham gia trong sinh hoạt sáng tạo hoặc giải quyết vấn đề. ____
3.Tôi cố gắng làm chủ sự căng thẳng thay vì để nó làm chủ tôi. ____
4.Tôi ngủ và luyện tập đầy đủ. ____
5.Tôi ăn uống những món bổ dưỡng, không hút thuốc, uống rượu vừa phải hoặc không uống. ____
6.Tôi tránh đua đòi ăn kiêng. ___
7.Tôi cố gắng giữ cho môi trường sống của mình càng lành mạnh càng tốt. ____
8.Tôi theo dõi sức khỏe của mình qua nhiều phương tiện khác nhau, kể cả kiểm tra tổng quát và kiểm tra răng miệng. ______
9.Tôi có ít nhất một người bạn để tâm sự. _____
10.Tôi thỏa lòng với điều mình có và biết ơn về điều đó. ____
11.Tôi thấy vui (hoặc thỏa mãn ) trong công việc làm. _____
12.Tôi quí trọng các mối quan hệ gia đình và cố gắng bảo vệ bằng cách thủy chung và hòa giải. _____
13.Tôi cảm nhận được mục đích, phương hướng, và ý nghĩa trong cuộc sống. _____
14.Tôi là con người độ lượng và nhân ái, quan tâm tới những người có nhu cầu (người và/hoặc loài vật). ____
15.Tôi cùng làm việc với người khác để đạt được nhiều hơn, so với mức thành đạt riêng lẻ từng cá nhân. ____
16.Tôi là con người vui vẻ và lạc quan, vui hưởng cuộc sống hiện tại. ____
17.Niềm tin của tôi nơi Đức Chúa Trời mang lại cảm giác bình an và giúp ích cho tôi trong những nghịch cảnh. _____
18.Tôi tham gia các sinh hoạt tôn giáo như cầu nguyện, học Kinh Thánh, đọc sách bồi linh, hoặc thờ phượng. _____
19.Tôi chấp nhận mình dễ chết , vì biết rằng một ngày kia tôi sẽ chết._____
20.Tôi có hi vọng, không chỉ trong hiện tại, mà cũng hi vọng có sự sống đời đời khi đời này chấm dứt. ______
Tổng cộng: Chỉ số khỏe của tôi hôm nay là: _____
Ngày tháng:___/___/____
Đây không phải là bảng câu hỏi mang tính khoa học, chỉ là hai mươi câu hỏi liên quan tới tình trạng khỏe mạnh. Chúng tôi thấy những người có điểm dưới 70 nhận biết còn có điểm phải cải thiện, và chúng tôi hi vọng thông tin trong sách này sẽ giúp họ thực hiện những thay đổi đó. Những người có điểm 70-80 có mức khỏe mạnh thấy rõ, tuy cũng còn có điểm cần cải thiện. Những người có điểm 80-90 có thể là đang rất khỏe, trong khi họ hầu như vẫn suốt đời học tập và theo đuổi sức khỏe tốt. Điểm cao hơn 90 ngụ ý tốt hơn, những người này nên xét lại những lãnh vực tự mình cho điểm tối ưu, để xem nhận xét như vậy có quá lạc quan hay không. Đôi khi một người bạn đáng tin cậy biết rõ bản thân bạn, có thể giúp ích ở điểm này.
Điều cần biết trong sinh hoạt hằng ngày của người cao tuổi
Người cao tuổi nên ăn đủ chất, chia ra làm nhiều bữa nhỏ; nếu ăn xong vẫn còn thèm là tốt. Việc ăn quá no dễ gây rối loạn nhịp tim, khó tiêu, khó ngủ. Còn những bữa ăn thịnh soạn, quá nhiều chất lại có thể gây viêm tụy cấp.
Người cao tuổi cần ăn theo nguyên tắc ăn cũng là uống, nghĩa là nhai kỹ, làm cho thức ăn thành dịch lỏng, giúp tiêu hóa và hấp thu tốt. Kinh nghiệm cho thấy, nếu ăn chậm, nhai kỹ, lượng thức ăn giảm bớt nhưng sức khỏe tăng lên. Theo một số cuộc khảo sát, lượng cơm giảm 1/3, thậm chí 1/2 nhưng người cao tuổi vẫn giữ được trọng lượng cơ thể (có người tăng cân) và cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái. Ngoài ra, nên uống nhiều nước để bù lại ít nhất là lượng nước tiểu và mồ hôi mất đi (chưa kể các dịch tiêu hóa) nhằm chống sỏi tiết niệu.
Khi nào biết được sức mình đã bắt đầu yếu?
– Có cảm giác chóng mệt hơn trước. Ví dụ, trước kia đi bộ 2-3 km là bình thường, nay phải nghỉ giữa chừng mới đi tiếp được; điều này xảy ra kéo dài và ngày một thường xuyên hơn.
– Dễ bị cảm, ho, nhạy cảm với thời tiết.
– Sau mỗi trận ốm, sức khỏe lâu hồi phục.
– Sức ăn kém dần.
Đó là những dấu hiệu cho biết sức khỏe đã giảm, mặc dù vẫn ăn ngon, ngủ tốt, không có bệnh gì khi kiểm tra sức khỏe.
Ngủ và nghỉ
Người cao tuổi thường ngủ ít. Khi vận động không nhiều thì ngủ 5 giờ/đêm cũng đủ. Nên ngủ trưa, nếu không ngủ được thì cứ nằm nghỉ, nhắm mắt khoảng nửa tiếng cho thư giãn.
Ngủ sớm và dậy sớm tốt hơn là ngủ muộn và dậy muộn. Theo chu kỳ sinh học, các tuyến nội tiết thường hoạt động từ nửa đêm về sáng; dậy sớm để vận động là một hình thức khởi động rất có lợi cho cơ thể.
Để tạo giấc ngủ yên, đỡ mộng mị, trước khi ngủ có thể ngâm chân vào nước ấm và lau khô, hoặc xoa dầu nóng vào gan bàn chân; bóp mạnh các đầu ngón chân và đầu ngón tay một lúc. Trước khi ngủ, không nên tắm dù là tắm nước nóng.
Tắm rửa
Không nhất thiết phải tắm rửa hằng ngày, mà nên tùy vào sức khỏe và hứng thú của bản thân. Trước khi rửa tay hoặc rửa chân, nên cho chân, tay làm quen với nước để tránh thay đổi đột ngột giữa nhiệt độ tại chỗ (chân tay) và toàn thân. Có thể xoa tay, xoa chân một lúc rồi hãy rửa để tránh phản ứng bất ngờ cho cơ thể.
Trước khi tắm, cũng phải tìm cách tạo cho cơ thể làm quen với nhiệt độ của phòng tắm và nước. Tuyệt đối không dội ngay nước vào gáy và cột sống vì hai vùng này nhạy cảm với thần kinh. Nên lau xung quanh rồi tiến dần vào gáy và cột sống.
Có người quen tắm mà không gội đầu. Điều này không tốt vì việc hai vùng có nhiệt độ khác nhau sẽ dễ gây đau đầu tăng huyết áp.
Khi còn ra mồ hôi, chưa nên tắm vội. Hãy thư thả chờ cho ráo hẳn mồ hôi mới được tắm. Không nên tắm ban đêm. Nếu cần, chỉ lau người bằng nước ấm rồi sưởi ấm (hoặc đắp chăn kín một lúc cho người nóng lên), giúp tuần hoàn da trở lại bình thường, lỗ chân lông không bị bít lại. Cần biết rằng mồ hôi cũng giúp thải chất độc của cơ thể.
Tắm xong cần lau khô người, mặc quần áo ấm trước khi ra khỏi nơi tắm. Khi mở cửa, cần đứng nép vào phía sau cánh cửa để tránh gió lùa. Khi tắm xong, tuyệt đối không ngồi hoặc nằm ngủ dưới quạt, hoặc nằm trên sàn nhà lạnh.
Nếu trời sắp có giông mà cần ra ngoài, hãy dội nước cho ướt hai lòng bàn chân trước lúc đi.
Bác sĩ Hà Văn Ngạc (Sức khỏe & Đời sống)
Việt Báo (Theo_VnExpress.net
“Bí kíp” để có bữa ăn tốt cho sức khỏe
Để giảm cân hiệu quả và giúp cơ thể khỏe mạnh mỗi ngày, chế độ ăn của bạn cần được đặc biệt quan tâm.
1. Không nên bỏ bữa
Rất nhiều chị em lầm tưởng rằng bỏ bữa chính là cách giảm cân nhanh nhất nhưng việc này lại hoàn toàn bất lợi cho sức khỏe của bạn. Vì vậy, bạn không nên bỏ bất kì bữa nào trong ngày, đặc biệt là bữa sáng bởi đó là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.
Bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.
2. Nhai kĩ
Đôi khi vì quá bận rộn mà bạn ăn một cách vội vã hoặc trong khi ăn, bạn vừa xem TV, lướt web, thậm chí kết hợp làm các công việc nhà khác. Bạn cần dành thời gian nhất định để tận hưởng các hương vị của món ăn. Hãy nhai thật chậm rãi và kĩ từng miếng thức ăn trước khi nuốt. Việc này giúp cho não bộ có thời gian nhận thức thời điểm bạn đã no và nên ngừng ăn.
3. Hiểu rõ về khẩu phần ăn
Bạn nên biết một khẩu phần ăn bao nhiêu là thích hợp đối với bạn, đặc biệt là khi đi ăn ở nhà hàng. Chẳng hạn như với thịt gà, một suất ăn chỉ nên bằng một hộp bài tú lơ khơ và rau bina chỉ một lượng vừa đủ lòng bàn tay bạn. Nhiều người thường cho rằng một khẩu phần phải gấp đôi lượng trên, nhưng nếu bạn muốn có một bữa ăn tốt cho sức khỏe thì nên nhớ chỉ cần một nửa là đủ, nhất là với thức ăn tinh bột và các loại thịt.
Cần hiểu rõ về khẩu phần ăn để đảm bảo sức khỏe
4. Màu sắc phong phú cho bữa ăn
Hãy tạo cho bữa ăn của bạn màu sắc bắt mắt với nhiều loại rau xanh và một chút trái cây. Bữa ăn của bạn càng nhiều màu sắc bao nhiêu thì càng tốt cho sức khỏe bấy nhiêu. Hãy bắt đầu với màu đỏ (cà chua), vàng hoặc cam (ớt ngọt), xanh lục (rau xanh) và xanh đậm (quả việt quất) và tím (cà tím). Thật tuyệt phải không nào?
5. Cẩn thận với các loại gia vị
Bạn có biết các loại gia vị hay nước sốt cung cấp thêm cho bạn bao nhiêu calo không? Vì vậy, để tránh nguy cơ tăng cân, bạn hãy chế biến món ăn và bỏ qua các loại gia vị như sốt mayonnaise hay các loại nước sốt nhiều kem, bơ, dầu ăn…
6. Sử dụng gia vị đúng cách
Bạn không thể chế biến món ăn mà thiếu các loại gia vị, nhưng bí quyết là hãy sử dụng một cách thông minh. Hãy bổ sung vào chế độ ăn những gia vị như quế (chứa nhiều chất chống ôxy hóa), ớt bột (hỗ trợ việc giảm cân), nghệ (phòng ngừa ung thư) hoặc gừng (làm giảm đau do viêm khớp).
7. Sử dụng ngũ cốc nguyên cám
Hãy thay thế bánh mì trắng và mì sợi thông thường bằng các loại làm từ ngũ cốc nguyên cám bởi chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng tự nhiên (như vitamin và chất xơ) mà không bị bổ sung bất cứ chất hóa học nào.
8. Ưu tiên các sản phẩm từ sữa ít béo
Các loại sữa, pho-mát, kem chua hay sữa chua được tách bớt 2% hoặc đã hớt váng sữa sẽ là những lựa chọn lí tưởng cho bạn nếu muốn xây dựng một chế độ ăn khoa học và tốt cho sức khỏe.
Theo Gia Minh (Tiền Phong)
Qua 40 tuổi ăn gì để khỏe mạnh?
Cá chứa nhiều omega 3 trong những loại cá này có thể làm giảm nhịp tim và huyết áp
Khi được 40 tuổi, cách cơ thể phản ứng với những thức ăn chúng ta hấp thụ bắt đầu thay đổi. Để luôn khoẻ mạnh, có một số loại thức ăn bạn không nên bỏ qua.
Nghiên cứu cho thấy, khi bạn 30 tuổi, lượng năng lượng cơ thể đốt cháy lúc nghỉ ngơi bắt đầu giảm và cứ mỗi thập kỷ tiếp theo, hàm lượng này lại giảm thêm 7%. Đó cũng là lý do tại sao nếu bạn cứ giữ nguyên chế độ ăn uống như khi 20 tuổi, bạn sẽ bị tăng cân.
Đồng thời, khi ngoài 40 tuổi, bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường cao hơn. Để luôn khoẻ mạnh, có một số loại thức ăn bạn không nên bỏ qua.
Cá nhiều dầu
Chất béo Omega 3 trong những loại cá này có thể làm giảm nhịp tim và huyết áp, đồng thời giảm nguy cơ bị loạn nhịp tim. Nguồn cung cấp nhiều chất béo Omega 3 nhất là cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi và cá trích. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ thường xuyên ăn cá nhiều dầu có nguy cơ bị đột quỵ thấp nhất. Để có được hiệu quả tối ưu, bạn nên ăn cá ít nhất 4 lần một tuần. Chú ý, chất béo Omega 3 rất nhạy cảm với nhiệt độ cao, vì vậy bạn nên để nhỏ lửa khi nấu cá hoặc ăn cá sống trong các món như sashimi.
Cá chứa nhiều omega 3 trong những loại cá này có thể làm giảm nhịp tim và huyết áp
Đậu nành
Chất isoflavone trong đậu nành có liên quan đến việc giảm cholesterol, tăng mật độ xương ở phụ nữ sau mãn kinh và cải thiện khả năng sinh sản của nam giới.
Trong một nghiên cứu, 42 tuổi phụ nữ trên 50 tuổi được ăn ba phần, mỗi phần có 30g đậu nành hàng ngày. Sau 12 tuần, lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao một loại cholesterol “tốt” đã tăng 3,7% trong khi tổng số cholesterol giảm 5,5%. Hàm lượng protein osteocalcin trong máu cũng tăng, làm tăng mật độ xương. Do đó, bạn nên ăn đậu nành 2 – 3 lần một tuần.
Đậu nành có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormon. Do đó, những phụ nữ tiền mãn kinh không nên ăn quá nhiều đậu nành. Ở nam giới, isoflavone trong đậu nành có thể tác động nhẹ đến testosterone.
Những phụ nữ tiền mãn kinh không nên ăn quá nhiều đậu nành. (Ảnh minh họa).
Cà chua
Cà chua là nguồn cung cấp chất lycopene chống oxy hóa. Chất này chống lại sự hình thành và lây lan của các tế bào ung thư, đồng thời làm giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch.
Nghiên cứu cho thấy, uống 150ml nước ép cà chua sau 20 phút tập thể dục làm giảm nguy cơ bị ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư dạ dày và bệnh tim.
Đặc biệt, cơ thể hấp thụ lycopene dễ dàng hơn khi cà chua được nấu chín.
Sữa nguyên kem
Sữa nguyên kem giúp chống lại sự giảm khối lượng cơ bắp – một hiện tượng xảy ra khi bạn già đi, đặc biệt là sau độ tuổi 50. Một nghiên cứu năm 2006 cho thấy, uống sữa nguyên kem sau khi tập thể dục còn giúp tăng khối lượng cơ bắp.
Mỗi 100ml sữa nguyên kem có chứa 118mg canxi, rất cần thiết cho việc phát triển xương.
Hằng ngày, nam giới nên hấp thụ 1.000mg canxi và nữ giới nên hấp thụ 1.200mg. Uống sữa nguyên kem, ăn rau xanh và các loại hạt là một cách hiệu quả để đạt được mục tiêu này. Bạn có thể thêm sữa nguyên kem vào ngũ cốc, cà phê, trà và sinh tố cho dễ uống. Nên hỏi ý kiến chuyên gia trước khi uống thuốc bổ sung canxi, vì lượng canxi quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.
Nhận xét tin Qua 40 tuổi ăn gì để khỏe mạnh?
Ăn uống lành mạnh
Cách ăn uống tốt hơn không phải là nhịn đói, ăn nhạt (vì hạn chế muối tối đa) hay một chế độ dinh dưỡng khắt khe, mà phải làm như thế nào để vừa duy trì thể trạng khỏe mạnh vừa dễ áp dụng.
Hiểu rõ chính mình
Một số người thích chế biến món ăn một cách cầu kỳ, trong khi những người khác thì chọn cách nấu ăn đơn giản. Điều quan trọng là bạn có thể tìm ra phương pháp để nấu và ăn có lợi cho sức khỏe. Ví dụ, nếu bạn thích một bữa tối thịnh soạn thì cứ làm theo ý mình, với điều kiện phải đảm bảo sẽ không ăn vặt suốt ngày. Việc hiểu rõ chính mình cũng giúp bạn ứng phó tốt hơn với những “cạm bẫy”. Chẳng hạn, nếu bạn thường ăn vặt khi làm việc thì hãy để thực phẩm thật xa chỗ ngồi hoặc chỉ mang đến văn phòng những món ăn lành mạnh (như các loại quả hạt khô). Còn nếu thích đồ mặn thì bạn không nên cầm cả gói thức ăn mà chỉ nên lấy ra một ít và để phần còn lại ở xa “vùng phủ sóng” của mình.
Bổ sung rau củ
Việc thêm rau củ sẽ làm cho các món ăn trông hấp dẫn hơn và bạn có thể ăn nhiều hơn dù đang trong giai đoạn cần cắt giảm calorie. Bằng cách thêm rau quả chứa nhiều nước đồng thời cắt giảm lượng thịt trong khâu chế biến thức ăn, bạn có thể tạo ra những bữa ăn lành mạnh hơn nhưng chứa ít calorie.
Ít thịt
Một bữa ăn lành mạnh thường bao gồm ngũ cốc, đậu, các loại hạt cũng như rau và trái cây chứ không phải là thịt. Các loại ngũ cốc như bột yến mạch, gạo lứt và bánh mì cung cấp nhiều chất xơ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa cũng như các vitamin nhóm B giúp tăng cường năng lượng và hỗ trợ quá trình trao đổi chất. Trong khi đó, các loại hạt chứa nhiều chất dinh dưỡng (như vitamin E trong quả hạnh, hạt hướng dương), còn các loại đậu như đậu nành, đậu phộng, đậu lăng… là “kho” chất xơ, đạm, sắt, folate và nhiều dưỡng chất khác. Vì vậy, việc thay thế thịt bằng các loại đậu, nguồn chất đạm thực vật, sẽ là một chiến lược tốt để giảm hấp thu chất béo bão hòa vốn không tốt cho hệ tim mạch.
Hạn chế tiêu thụ chất béo
So với tinh bột hoặc chất đạm, chất béo có nhiều calorie hơn, do đó cần hạn chế tiêu thụ chất béo nếu muốn duy trì trọng lượng hoặc giảm cân. Chất béo có ảnh hưởng khác nhau đối với cơ thể. Chẳng hạn, chất béo bão hòa đa và chất béo bão hòa đơn không làm tăng cholesterol trong máu, thậm chí có thể làm giảm nguy cơ bị các vấn đề tim mạch. Chúng có nhiều trong các loại hạt, dầu thực vật và các loại cá như cá hồi, cá mòi, cá trích… Tuy nhiên, nếu ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (có trong các sản phẩm từ sữa, thịt bò, dầu cọ, dầu dừa…), rủi ro mắc bệnh tim mạch sẽ tăng cao.
Cẩn thận với thực phẩm đóng gói
Các chuyên gia Mỹ cho biết hầu hết thực phẩm đóng gói thường chứa nhiều muối, chất béo chuyển hóa và đường. Do đó, nên đọc kỹ nhãn thực phẩm trước khi mua và chú ý các thành phần dinh dưỡng như calorie, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và muối, cũng như hàm lượng các dưỡng chất như chất xơ, magnesium, kali, calcium và các vitamin A, C, E.
Theo dõi khẩu phần ăn
Ngay cả khi đang ăn những loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, bạn nên chú ý đến lượng thực phẩm tiêu thụ. Đặc biệt là khi ăn ở các nhà hàng vì ở đó khẩu phần ăn rất lớn, thường chứa nhiều chất béo và muối vốn không tốt cho sức khỏe toàn diện.
Nạp năng lượng bằng cách ăn
Thức uống không thể làm bạn no như thức ăn. Các nghiên cứu cho thấy người ta có xu hướng tiêu thụ một lượng thức ăn như nhau, dù có dùng thêm một loại thức uống chứa nhiều năng lượng hay không. Hơn nữa, hầu hết thức uống đều không cung cấp nhiều chất dinh dưỡng.
Vietbao.vn (Theo TNO)
Những thói quen ăn uống nên được thay đổi
Có khá nhiều loại thực phẩm được chúng ta sử dụng hàng ngày có thể có những tác hại ‘tích tiểu thành đại’. Do đó, việc chú ý và thi thoảng thay đổi một vài món ăn quen thuộc là điều nên làm.
1. Ăn ngũ cốc thay cho tinh bột
Việc cắt giảm các loại tinh bột như bột gạo, bột mỳ hay thậm chí đường tinh luyện trong khẩu phần ăn có thể đem lại sư khác biệt đáng kể đối với sức khỏe.
Các loại tinh bột kể trên chứa rất nhiều calo mà lại ít chất dinh dưỡng, kích thích thèm ăn và làm rối loạn hàm lượng đường trong máu. Trái lại, nếu ăn nhiều các loại ngũ cốc chưa qua tinh chế như gạo lức hay lúa mỳ, cơ thể sẽ được cung cấp nhiều hơn các chất dinh dưỡng và chống ô xy hóa.
Chất xơ trong ngũ cốc còn giúp no nhanh mà không bị đầy bụng khó tiêu, giúp bạn không cần ăn nhiều mà vẫn duy trì được mức năng lượng cần thiết.
2. Sốt trái bơ thay cho sốt trứng gà
Các thực phẩm không chất béo tràn lan trên thị trường đã in vào nếp suy nghĩ của mọi người rằng muốn giảm cân thì không được ăn thực phẩm có chất béo.
Nhưng sự thật không phải thế, chúng ta vẫn cần những chất béo có ích – loại chất béo không bão hòa có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm như vừng, lạc, ô liu. Các loại chất béo này cung cấp thêm vitamin E và giúp ngăn ngừa chứng cuồng ăn.
Các chất dinh dưỡng này có trong sốt trái bơ, một loại sốt làm từ quả bơ, vẫn đảm bảo hương vị béo ngậy như mayonnaise mà lại có lợi cho sức khỏe.
3. Thực phẩm tươi thay cho thực phẩm đã chế biến
Chất lượng calo cũng quan trọng không kém số lượng calo nạp vào cơ thể. Thức ăn đã qua chế biến thường mất hết calo trong khi thực phẩm tươi lại rất giàu chất chống lão hóa, các chất dinh dưỡng và chất xơ.
4. Uống nước thay cho các loại nước ngọt, nước có ga
Chỉ riêng việc uống nước ngọt có ga đã khiến cơ thể hấp thụ lượng calo tương đương một bữa ăn. Trong khi đó, nước không những không khiến bạn béo lên mà còn thanh lọc giúp cơ thể nhẹ nhàng thoải mái hơn.
5. Ăn bánh mỳ thay cho bánh nướng ngọt
Bánh nướng ngọt có chứa tới 10g chất béo bão hòa, nếu dùng thường xuyên có thể gây ra chứng xơ vữa động mạch.
Trong khi đó, bánh mỳ, đặc biệt là loại làm từ hạt ngũ cốc chưa qua tinh luyện lại cung cấp nhiều chất xơ và vitamin có lợi cho cơ thể.
Có thể nghiền thêm hoa quả tươi trộn cùng nguyên liệu nếu tự làm để tăng thêm hương vị cho chiếc bánh mỳ bổ dưỡng.
6. Uống rượu vang đỏ thay cho cốc-tai
Nghiên cứu cho thấy rằng uống rượu ở lượng hợp lý sẽ giúp tăng HDL cholesterol (một loại cholesterol có lợi cho cơ thể).
Nhưng sự kết hợp của rượu với nước trái cây chứa nhiều carb thì lại gậy hiệu quả ngược lại. Loại thức uống có cồn thích hợp nhất cho sức khỏe là rượu vang đỏ.
Rượu vang đỏ chỉ chứa lượng carb bằng 1 phần 10 một ly cốc tai, cung cấp các loại chất chống ô xy hóa có tác dụng giảm LDL (cholesterol có hại) và tăng HDL (cholesterol có lợi) cho cơ thể. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo rằng 1 ly vang đỏ mỗi ngày với nữ và 2 ly với nam sẽ có lợi cho sức khỏe.
7. Trộn sa lát với dấm hoặc nước chanh thay cho các loại sốt béo ngậy
Trộn sa lát với sốt béo thì cũng không khác gì vừa tập thể dục đi bộ vừa hút thuốc lá. Sự lựa chọn hoàn hảo cho một đĩa sa lát thơm ngon bổ dưỡng, ít cholesterol chính là nước chanh và dấm thơm với độ chua dịu.
8. Gà chín tới thay cho thịt bò
Thịt bò nói riêng và các loại thịt gia súc nói chung có chứa rất nhiều chất béo không bão hòa – nguyên nhân chính gây tăng lượng cholesterol trong máu. Gà nướng chín tới chỉ chứa một nửa lượng chất béo không bão hòa so với thịt bò.
9. Bỏng ngô thay cho khoai tây chiên
Bỏng ngô là lựa chọn dinh dưỡng tốt hơn so với khoai tây chiên. So với khoai tây chiên, bỏng ngô có chứa ít hơn 80% lượng chất béo không bão hòa và chứa nhiều hơn gấp đôi lượng chất xơ.
10. Khoai lang thay cho khoai tây
Khoai tây có chỉ số đường huyết (GI) cao khiến rối loạn lượng đường trong máu và gây cảm giác thèm ăn liên tục. Trong khi đó khoai lang lại có chỉ số đường huyết thấp hơn rất nhiều và còn rất giàu các chất dinh dưỡng như chất chống ô xy hóa, chống lão hóa.
11. Quả việt quất thay cho dâu tây
Trong số các loại quả cùng dòng dâu, việt quất là loại có chứa nhiều chất chống lão hóa nhất. Ngoài ra nó có chứa chất polyphenol rất có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Theo Vũ Hải/ dinhduong.com.vn
Đi bộ nhanh chống trầm cảm
Đi bộ nhanh có thể giúp chống trầm cảm, theo các nhà khoa học thuộc Đại học Stirling ở Scotland (Vương quốc Anh).
Để có kết luận trên, các nhà khoa học thuộc Đại học Stirling đã xem xét 8 cuộc nghiên cứu trước đó, liên quan tới 341 bệnh nhân, theo BBC.
Thông thường, trầm cảm thường được trị bằng thuốc nhưng theo các chuyên gia, nếu triệu chứng trầm cảm ở thể nhẹ thì có thể được điều trị bằng tập thể dục như đi bộ nhanh.
Theo BBC dẫn lời Giáo sư Adrian Taylor, nghiên cứu tác động của tập thể dục với trầm cảm, căng thẳng tại Đại học Exeter (Anh), tập thể dục có thể giúp tạm quên những mối lo, đem lại cảm giác kiểm soát được mọi thứ và giúp sản sinh ra những hormone đem lại sự thư thái, suy nghĩ tích cực.
Ngoài đi bộ nhanh, các loại hình tập thể dục khác như đạp xe, làm vườn và bơi lội cũng có thể góp phần giảm trầm cảm, theo các chuyên gia.
MS Nguyen Tan Canh Suu Tam
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com