Tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) là hai bệnh ngày càng phổ biến ở những nước phát triển nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Hai bệnh này có thể độc lập hoặc có mối liên quan với nhau.

Nhiều nghiên cứu cho thấy THA và ĐTĐ thường song hành cùng nhau vì chúng có cùng những yếu tố nguy cơ như: thừa cân hoặc béo phì; chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều muối, đường; lười vận động.

THA là một yếu tố làm tăng mức độ nặng của ĐTĐ, ngược lại ĐTĐ cũng làm cho THA trở nên khó điều trị hơn. Người ta thấy rằng tỷ lệ THA ở người ĐTĐ cao gấp 2 lần so với người không bị ĐTĐ. Ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 (cơ thể ngừng sản xuất insulin hoặc sản xuất quá ít không đủ để điều hòa lượng đường trong máu), THA thường là hậu quả của biến chứng thận. Còn ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 (cơ thể có khả năng sản xuất insulin được nhưng mất một phần hoặc hoàn toàn khả năng sử dụng insulin này), THA có thể xuất hiện trước khi bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ hoặc được phát hiện đồng thời với ĐTĐ trong bệnh cảnh của hội chứng chuyển hóa. Hội chứng này là một nhóm những biểu hiện bất thường về lâm sàng và xét nghiệm bao gồm: THA, béo bụng (chu vi vòng eo từ 90cm trở lên ở nam và từ 80cm trở lên ở nữ), rối loạn chuyển hóa lipid (tăng triglycerid, giảm HDL – cholesterol), rối loạn dung nạp glucose. Theo một nghiên cứu của Mỹ, có khoảng 65% bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có THA. Dù người bệnh ĐTĐ ở týp 1 hay týp 2, nhưng khi có THA đều làm cho tiên lượng bệnh xấu đi rõ rệt: làm cho tỷ lệ bệnh lý mạch vành và đột quỵ tăng gấp 2 – 3 lần so với người không bị ĐTĐ. THA và ĐTĐ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạch máu lớn và nhỏ: bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, tắc mạch chi, bệnh võng mạc mắt, bệnh thận, bệnh lý thần kinh. Việc làm giảm huyết áp sẽ giúp giảm các nguy cơ trên nên được coi là một mục tiêu quan trọng ở bệnh nhân ĐTĐ có THA (song song với điều chỉnh đường huyết tích cực và làm giảm cholesterol máu). Đã có tác giả cho rằng, việc kiểm soát tốt huyết áp thậm chí còn quan trọng hơn cả kiểm soát đường máu.

Tăng huyết áp làm tăng mức độ nặng của đái tháo đường.

Trong nhiều trường hợp THA, bệnh nhân thường không có triệu chứng nên dễ bị bỏ qua nếu không được đo huyết áp kiểm tra. Tuy nhiên, một số trường hợp THA có thể thấy các triệu chứng: đau đầu, nhìn mờ, đau bụng hoặc đau ngực, khó thở, chóng mặt, buồn nôn. Chính vì các triệu chứng thường không rõ ràng và không đặc hiệu như vậy nên những bệnh nhân ĐTĐ cần được kiểm tra huyết áp định kỳ mỗi khi thăm khám tại chuyên khoa ĐTĐ để kịp thời phát hiện và điều trị THA.

Phát hiện bệnh như thế nào?

Chẩn đoán THA khi huyết áp tối đa bằng hoặc lớn hơn 140mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu bằng hoặc lớn hơn 90mmHg.

Chữa trị có khó không?

Mục tiêu điều trị THA ở người ĐTĐ là huyết áp dưới 130/80mmHg.
Để kiểm soát được huyết áp phải kết hợp giữa biện pháp không dùng thuốc (còn gọi là biện pháp thay đổi lối sống) và dùng thuốc.

Nên kiểm tra huyết áp thường xuyên.

Thay đổi lối sống:

Cần được áp dụng trên tất cả các bệnh nhân. Sự thay đổi lối sống không chỉ làm hạ huyết áp mà còn góp phần điều hòa mức đường máu.

Giảm cân nặng nếu bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì:

BMI = cân nặng/chiều cao2 (kg/m2)
Bình thường: BMI = 18,5 – 22,9kg/m2 .
Thiếu cân: BMI < 18,5 kg/m2.
Thừa cân: BMI = 23 – 24,9kg/m2.
Béo phì: BMI ≥ 25 kg/m2.
Giảm vòng eo: nam < 90 cm, nữ < 80cm.
Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi (nhưng ít ngọt như thanh long, táo, bưởi) và protein từ thực vật (các chế phẩm từ đậu tương); hạn chế ăn các chất béo và chất béo bão hòa, những thực phẩm chứa nhiều cholesterol.
Ăn giảm muối (<6g/ngày – tương đương 1 thìa cà phê gạt ngang).
Hạn chế uống rượu, bia: không quá 2 ly rượu nhỏ/ngày (30ml), < 750ml bia.

Ngừng hút thuốc lá.

Tăng cường hoạt động thể lực: đi bộ nhanh 30 – 45 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần. Với người có bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác cần được bác sĩ chỉ định tập thể dục một cách hợp lý.

Những bệnh nhân có huyết áp tâm thu 130 – 139mmHg hoặc huyết áp tâm trương 80 – 89mmHg cần được áp dụng biện pháp không dùng thuốc đơn độc trong 3 tháng, nếu không đạt được huyết áp mục tiêu thì phải kết hợp với việc dùng thuốc.

Cần tăng cường chế độ ăn nhiều rau, quả.

Dùng thuốc hạ huyết áp:

Có 5 nhóm thuốc chính hay được sử dụng: ức chế men chuyển, ức chế thụ thể angiotensin II, chẹn kênh calci, lợi tiểu, chẹn beta. Phần lớn bệnh nhân cần phối hợp ít nhất 2 nhóm thuốc để đạt huyết áp mục tiêu.

Ngoài ra có thể sử dụng các nhóm thuốc khác như: Chẹn alpha1 giao cảm; thuốc chẹn alpha và beta giao cảm; nhóm thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương hoạt hóa 1 số tế bào thần kinh, từ đó gây hạ huyết áp.

Điều cần lưu ý là khi bệnh nhân đã đạt được huyết áp mục tiêu vẫn phải tiếp tục duy trì các thuốc huyết áp đang dùng vì nếu bệnh nhân ngừng thuốc thì huyết áp sẽ tăng trở lại.

Chia sẻ:
Vài lưu ý cho người bị bệnh tiểu đường trong dịp Tết

(Xinh Xinh) Bị bệnh tiểu đường không có nghĩa là bạn không nên đi du lịch hay tham gia vui chơi, ăn uống cùng gia đình và người thân.
Tuy nhiên để giữ cho mình được khỏe mạnh trong suốt dịp lễ tết bạn cần chú ý những điểm sau

Dự tiệc

Trước khi đi dự tiệc bạn hãy nhớ các nguyên tắc sau, để đảm bảo mình có được một bữa tiệc vui vẻ, khỏe mạnh.
Ăn một phần nhỏ thức ăn để tránh ăn quá nhiều trong bữa tiệc
Hãy hỏi về những món ăn được phục vụ để lựa chọn món nào phù hợp nhất cho mình.
Nếu ăn buffe, bạn hãy chọn thức ăn lên đĩa và tới một nơi khác, cách xa khu vực thức ăn nếu có thể
Chọn ít thức ăn hơn
Chọn các loại thức ăn có lượng calo thấp như nước sooda, trà không đường hoặc đồ uống dành cho người ăn kiêng. Nếu bạn uống rượu thì hãy nhớ uống thật ít và hãy chọn loại rượu an toàn cho bạn.
Hãy thay thế những thức ăn béo, giàu đạm bằng những thức ăn ít béo hơn.
Hãy quan tâm đến lượng muối. Một số thức ăn thường được chuẩn bị với các loại thực phẩm có lượng natri cao. Bạn nên chọn các món rau tươi hoặc đông lạnh, có độ natri thấp hơn.
Chọn trái cây thay vì bánh ngọt, bánh nướng, hãy chọn các món tráng miệng ít chất béo, đường và cholesterol.
Tập trung vào gia đình, bạn bè và các hoạt động thay vì thực phẩm. Hãy đi bộ sau bữa ăn, hoặc tham gia nhảy múa tại một bữa tiệc.

Người bị bệnh tiểu đường càng cần lưu ý hơn trong cách ăn uống.
Du lịch

Ra khỏi nhà đi thăm bạn bè, người thân hay đi du lịch có nghĩa là bạn đã thay đổi cách sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy hãy nhớ chăm sóc tới bản thân mình tốt hơn. Hãy kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn bởi những hoạt động vui chơi có thể ảnh hưởng tới nồng độ đường trong máu.
Bạn hãy nhớ luôn mang theo các thuốc điều trị bệnh tiểu đường bên người, có thể mang số lượng nhiều hơn bình thường, dự phòng chuyến đi có thể bị trì hoãn.
Luôn dự trữ đồ ăn phòng khi tụt đường huyết.
Hãy luôn giữ liên lạc với bác sĩ điều trị
Hãy mang theo chứng nhận y tế bạn bị bệnh tiểu đường để có thể được hưởng những ưu tiên trong một số dịch vụ
Nếu bạn sử dụng insulin, bạn hãy giữ mát insulin bằng cách đóng gói nó trong một túi cách nhiệt với các gói gel lạnh.

Trên đường đi (hoặc trên chuyến bay)
Hãy tiêm ngừa vắc xin phòng cúm trước khi đi du lịch.
Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch. Tránh tiếp xúc với người ốm.
Nếu bạn đi máy bay hoặc đi tàu/ ô tô đường dài, cố gắng hai giờ một lần, bạn hãy đứng dậy và di chuyển nhẹ nhàng, tránh nguy cơ bị đông máu.
Hãy mang lượng thức ăn phù hợp bên mình như hoa quả tươi, nước uống không béo, không đường.
Hãy mang theo một chút thức ăn khô như các loại hạt, quả khô để bạn có thể nhấm nháp bất kể lúc nào.
Hãy để tất cả thuốc men, dụng cụ điều trị bệnh vào một cái túi luôn giữ bên mình.
Tất cả các ống chích và hệ thống cung cấp insulin (bao gồm cả lọ insulin) được đánh dấu rõ ràng với.
Đừng quên mang theo thức ăn bên người nếu bạn bay một chuyến bay dài và cần phải ăn trên máy bay
Không quên những hoạt động vận động hàng ngày. Hãy đảm bảo mỗi ngày có ít nhất một tiếng vận động cơ thể.
Theo AF
Cách thông minh giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Hiện nay, bệnh tiểu đường trên thế giới gia tăng với tốc độ chóng mặt. Nó được xem như là một đại dịch trên toàn cầu.
Có nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh tiểu đường chịu ảnh hưởng của yếu tố di truyền.

Tuy nhiên trên thực tế, béo phì, ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều dầu mỡ, đường, tinh bột, thói quen lười vận động cũng là những yếu tố góp phần gây ra bệnh tiểu đường.

Dưới đây là một số cách dễ dàng và hiệu quả có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh tiểu đường ngay từ bây giờ.

1. Đừng bỏ qua bữa ăn sáng

Rất nhiều người nghĩ rằng bỏ qua bữa ăn sáng sẽ giúp bản thân họ tránh xa bệnh tiểu đường và béo phì.

Tuy nhiên thực tế là, những người đã ăn bữa sáng nhẹ ít có khả năng mắc bệnh tiểu đường hơn những người bỏ qua bữa ăn sáng. Bởi vậy, nếu muốn ngăn ngừa khả năng mắc bệnh tiểu đường, bạn chỉ cần tránh những thực phẩm giàu carbohydrates và quá nhiều dầu trong bữa sáng của bạn.

2. Giảm khẩu phần ăn

Để ngăn ngừa bệnh tiểu đường, bạn hãy giảm chế độ ăn nhiều thịt, đặc biệt là ăn những loại thịt đỏ. Nên hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh, uống nước ngọt, đồ chiên rán và các loại thức ăn chế biến sẵn như: thịt xông khói, xúc xích…

Bạn cũng không nên ăn vặt nhất là ăn đêm, trong khi nấu ăn hoặc khi dọn dẹp nhà cửa.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tiểu đường là bạn phải uống nhiều nước.

3. Ăn nhiều salad, rau xanh, hoa quả

Để bảo vệ sức khỏe của mình và tránh mắc phải bệnh tiểu đường, bạn có thể làm các loại salad khác nhau và thưởng thức nó trước khi ăn các món ăn chính trong bữa ăn của bạn.

Bạn có thể ăn các món rau trộn khi ăn trưa hoặc ăn tối. Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung trái cây tươi thuộc họ cam quýt, táo, đào, dưa hấu… trong chế độ ăn uống của mình.

Ăn hoa quả, rau xanh trước bữa ăn hàng ngày sẽ giúp bạn kiểm soát lượng dầu mỡ, đường trong máu.

4. Tập thể dục thường xuyên

Một điều vô cùng quan trọng có thể giúp bạn phòng tránh bệnh tiểu đường đó là tập thể dục thường xuyên. Các nhà khoa học Phần Lan đã kết luận rằng: tập luyện thể dục khoảng 35 phút mỗi ngày, sẽ làm giảm được 80% nguy cơ bị tiểu đường. Vì thế, bạn có thể tham gia một lớp học khiêu vũ hoặc các lớp học bơi, yoga… Mục đích của việc luyện tập này là để cơ thể bạn được vận động di chuyển cơ thể và làm giảm lượng calo trong cơ thể.

5. Uống nhiều nước mỗi ngày

Một cuộc điều tra của các nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện Bichat tại Paris đã chỉ ra rằng những người uống nước nhiều hơn mỗi ngày ít có nguy cơ mắc bệnh đường máu cao, so với những người uống lượng nước ít mỗi ngày.

Vì thế, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tiểu đường là bạn phải uống nhiều nước và chia làm nhiều lần trong ngày. Lượng nước trung bình mà bạn phải dung nạp vào cơ thể mỗi ngày là 8 ly nước.

Các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo, không nên dùng các loại nước ngọt thay cho loại nước uống thông thường. Bởi chúng dễ gây béo phì và mất kiểm soát lượng đường trong máu.

6. Ăn các loại ngũ cốc

Ăn nhiều ngũ cốc đặc biệt là ngũ cốc nguyên hạt như: lúa mì, gạo nâu, yến mạch… không chỉ giúp bạn có một thân hình đẹp mà nó còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao và đột quỵ.

Do đó, bạn có thể thay thế các loại thực phẩm bằng việc ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt để ngăn chặntiểu đường và đảm bảo sức khỏe.

7. Ghi lại chế độ ăn uống của bạn

Bạn có thể ghi chép và lưu giữ bằng văn bản chế độ ăn uống hàng ngày của mình. Điều này sẽ giúp bạn thẩm định lại một tuần qua mình đã ăn những gì, lượng thức ăn là bao nhiêu, thức ăn bạn ăn có quá nhiều calo hay không…

Chắc chắn, khi nhìn vào bản ghi chép đó, bạn sẽ lập lại cho mình kế hoạch ăn uống chuẩn mực và có trách nhiệm hơn để duy trì sức khỏe.
Theo AF
Phòng bệnh tiểu đường quá dễ

Nhiều người mong sớm có thuốc chủng ngừa bệnh tiểu đường để sau vài lần “chịu đấm ăn xôi” có thể ăn uống thả giàn, tha hồ hảo ngọt. Đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có thuốc!
Đừng bó tay chịu… bệnh!

Nếu tưởng không thể phòng ngừa bệnh tiểu đường là sai. Càng sai hơn nữa nếu tưởng kiêng ăn ngọt thì khỏi lo bệnh tiểu đường. Cho dù kiêng cữ thế nào vẫn bị bệnh như thường nếu cuộc sống lúc nào cũng căng thẳng, nếu bệnh gan không được điều trị đến nơi đến chốn… Bệnh tiểu đường rõ ràng không là chuyện may rủi. Bằng chứng, theo kết quả nghiên cứu, không quá khó để đẩy lùi bệnh tiểu đường về bên kia lằn ranh sinh bệnh, nếu lưu ý một số yếu tố dưới đây:

1. Tuổi đời: Đừng quên tiểu đường “rồ ga tăng tốc” từ tuổi 50, nam cũng như nữ, không chừa một ai. Nhiều kết quả nghiên cứu trong thập niên gần đây cho thấy tình trạng thiếu hụt nội tiết tố giới tính khi gần tuổi về hưu khiến nam mãn dục, khiến nữ tắt kinh là “đòn bẩy” cho bệnh tiểu đường.

Thời điểm máu dễ biến thành “chè ngọt” thậm chí có thể sớm hơn nhiều, nếu nạn nhân trước đó có cuộc sống quá căng thẳng vì nội tiết tố của tuyến thượng thận trong tình huống stress dồn dập là nguyên nhân làm tăng đường huyết. Do đó, ráng tránh sao cho đừng quá stress lúc thiếu thời, cũng đừng quên tham gia các chương trình tầm soát định kỳ khi người đối diện bắt đầu gọi mình bằng chú, bằng cô.

2. Cơ tạng: Người có thân nhân trực hệ đã bị tiểu đường dễ là miếng mồi ngon của bệnh tiểu đường. Cẩn tắc vô áy náy, nên cẩn thận với chuyện ăn uống hơn người khác nếu là thành viên của gia đình có vài người đã bệnh!

3. Vòng bụng quá cỡ: Các nhà nghiên cứu về bệnh tiểu đường đã quả quyết là lượng mỡ đóng đô ở thành bụng càng nhiều, dù là do ít vận động hay uống quá nhiều bia, đều là “đòn bẩy” cho bệnh tiểu đường. Tệ hơn nữa là người có vòng 2 vượt chỉ tiêu là đối tượng vừa khó điều trị, vừa mau gặp biến chứng một khi đã bị bệnh tiểu đường. Giảm cân cho bằng được nếu dư cân, tránh rượu bia càng nhiều càng tốt là biện pháp phòng bệnh.

4. Ít vận động: Theo thống kê của các hãng bảo hiểm y tế ở châu Âu, số người mắc bệnh tiểu đường ở các thành phố lớn, ở các nước công nghệ cao gấp 3 lần ở vùng nông thôn vì mức độ vận động của người dân chốn thị thành chỉ bằng phân nửa nhà nông. Đừng ngồi yên quá thường lúc còn trẻ là tránh được cảnh sau này phải nằm dài trên giường bệnh vì tai biến mạch máu não.

5. Thiếu thực phẩm “xanh”: Chức năng của tụy tạng – cơ quan có nhiệm vụ điều chỉnh đường huyết, tùy thuộc vào nhiều loại sinh tố và khoáng tố. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường rõ ràng tỷ lệ nghịch với hàm lượng rau quả tươi trong khẩu phần. Thêm vào đó, ai càng mạnh miệng với thực phẩm công nghệ, người đó càng dễ bị bệnh tiểu đường vì nhiều chất phụ gia là khắc tinh của tụy tạng.

6. Huyết áp cao: Bệnh nhân cao huyết áp có nguy cơ bị bệnh tiểu đường cao gấp 3 lần người tuy cũng có nếp sống dễ bị bệnh tiểu đường nhưng huyết áp trong định mức bình thường.

Trả giá quá đắt!

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không vô cớ đã khẳng định bệnh tiểu đường là một trong các nguy cơ hàng đầu cho sức khỏe cộng đồng ở thế kỷ 21 này, mặc dầu bệnh không lây lan. Họ hoàn toàn có lý khi 10% dân số mắc bệnh tiểu đường, ngay cả ở các nước có nền y tế tiên tiến.

Điểm vô cùng đáng tiếc, theo dẫn chứng của chuyên gia ngành nội tiết, một số không ít, tối thiểu cũng 1/3 số bệnh nhân tiểu đường đã không mắc bệnh nếu trước đó chịu khó loại trừ hay giảm thiểu các nhân tố tạo điều kiện cho bệnh dễ phát tán từ tuổi trung niên.

Mới nghe tưởng phức tạp, nhưng biện pháp phòng bệnh tiểu đường trên thực tế vẫn còn quá đơn giản nếu so với việc trị bệnh một khi bệnh đã phát. Đợi nước đến chân mới nhảy, nhưng lúc đó, còn sức đâu mà nhảy!

Ngồi lâu dễ mắc bệnh tiểu đường

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, ngồi lâu có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở phụ nữ. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy nguy cơ này ở nam giới.
Nhà nghiên cứu Thomas Yates, thuộc ĐH Leicester (Anh), và các đồng nghiệp đã phân tích thông tin từ khoảng 500 người Anh trong một chương trình tầm soát bệnh tiểu đường. Những người tham gia đã thống kê lượng thời gian họ ngồi trong một ngày trong vòng bảy ngày liên tiếp. Sau đó, các nhà nghiên cứu thu thập các mẫu máu để kiểm tra các yếu tố nguy cơ bệnh tiểu đường. Trung bình, các chị em cho biết mỗi ngày họ đã ngồi 5 giờ.

Kết quả kiểm tra cho thấy, phụ nữ ngồi lâu thường dễ dẫn đến đề kháng insulin và các chỉ số báo hiệu tình trạng viêm nhiễm xuất hiện với tỷ lệ cao. Ngồi nhiều có thể dẫn đến đến béo bụng, và các nội tiết tố xuất phát từ tế bào mỡ sẽ gây bất lợi cho sự trao đổi chất của cơ thể.

“Tuy nhiên, vì đây là nghiên cứu từ các báo cáo của cá nhân nên có thể chưa chính xác. Nếu những kết quả này được tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn nữa, chúng sẽ mang ý nghĩa cho các khuyến nghị lối sống, chính sách y tế công cộng và góp phần can thiệp thay đổi hành vi sức khỏe”, các nhà nghiên cứu trên tạp chí Y tế Dự phòng của Mỹ nhận xét.

Làm gì để kiểm soát bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường thuộc nhóm các bệnh chuyển hóa, trong đó người bệnh có đường huyết cao, gây ra các triệu chứng điển hình như ăn nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều.
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy một phần ba trong số 24 triệu người không biết mình đang mắc bệnh tiểu đường.

Tại Việt Nam, một số nghiên cứu cho thấy do nhận thức về bệnh tật thấp cũng như những hạn chế của mạng lưới y tế nên tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường không được phát hiện trong cộng đồng còn cao, chiếm 64,5%. Vào thời điểm bệnh tiểu đường được chẩn đoán, 50% số bệnh nhân đã xuất hiện các biến chứng. Khi phát hiện bệnh, khoảng 20% số bệnh nhân đã có tổn thương thận, 8% có tổn thương võng mạc, 9% có tổn thương thần kinh và 50% đã có bệnh tim mạch.

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Kiểm soát bệnh tiểu đường giúp ngăn ngừa bệnh nặng thêm và các biến chứng. Để làm điều đó, bạn chỉ cần thay đổi lối sống.

Tập luyện là câu trả lời tốt nhất trong phòng ngừa tất cả các bệnh. (ảnh minh họa)

– Hạn chế carbohydrat: Hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều carbonhydrat. Chỉ cần 30-60g carbonhydrat trong mỗi bữa ăn là đủ. Nếu chỉ có 15-30g carbonhydrat, hãy cân bằng nó bằng protein hoặc chất béo không no như sữa chua, trái cây và phomat ít béo.

– Thực phẩm nhiều chất xơ và protein: Thực phẩm nhiều chất xơ cũng giúp giảm đường huyết. Gạo nâu, ngũ cốc nguyên cám được khuyến nghị dùng. Tương tự, thực phẩm có hàm lượng protein cao như cá, hải sản có vỏ và thịt nạc rất có lợi cho sức khỏe.

– Ăn nhiều bữa nhỏ: Các bữa ăn nên cách nhau 3-4 giờ. Theo cách này, cơ thể sẽ liên tục no để chuyển hóa của bạn tốt hơn, đốt cháy calo cũng nhiều hơn.

– Tập luyện: Tập luyện là câu trả lời tốt nhất trong phòng ngừa tất cả các bệnh. Đi bộ, đạp xe hoặc các hoạt động tập luyện thể lực khác giúp insulin hoạt động hiệu quả hơn để giảm đường huyết.

Phụ nữ bị stress nhiều và nặng hơn nam giới

Stress có thể đến với bất kỳ ai. Tuy nhiên, người ta vẫn thấy trong cộng đồng tỷ lệ phụ nữ thường gặp stress nhiều hơn nam giới.

Theo Ths. Bs. Nguyễn Hoài Bắc, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, trong cuộc sống chúng ta phải sống trong môi trường có rất nhiều yếu tố tương tác, stress chỉ là một phản ứng của cơ thể đứng trước một tình huống khó khăn để ép buộc cơ thể phải giải quyết nó theo xu hướng nào đó có lợi cho cơ thể. Vì vậy, stress là một phần của cuộc sống, có những stress có lợi giúp cơ thể phản ứng lại những tác nhân xấu.

Ví dụ, trong tình huống chúng ta bị rơi từ trên cao xuống, đó cũng là một stress của cơ thể. Lúc đó ngay lập tức tất cả các hệ hoóc môn, hệ thần kinh sẽ huy động tổng chỉ huy giúp chúng ta phản ứng làm sao để chống chọi lại với cú ngã trong tư thế ít bị thương tổn nhất. Đấy là một stress có lợi.

Nhưng trong cuộc sống có những stress cứ tác động kéo dài, làm chúng ta mệt mỏi từ ngày này qua ngày khác, làm chúng ta chán chường, ảnh hưởng đến sức khỏe thì đó là những stress có hại.

Thông thường khi chúng ta đang phải đối mặt với stress hoặc rơi vào trạng thái stress có 2 biểu hiện. Thứ nhất là về cảm xúc thường lo lắng vu vơ, không rõ nguyên nhân. Sau đó, nặng hơn một chút là căng thẳng, nặng hơn nữa là mất ngủ. Biểu hiện thứ 2 là ở hành vi, nhẹ nhàng thì thở dài nhẹ, nặng hơn là cáu gắt với người khác, nặng hơn nữa là có hành vi thô bạo, thậm chí đánh nhau.

Stress có thể đến với bất kỳ ai. Tuy nhiên, người ta vẫn thấy trong cộng đồng tỷ lệ phụ nữ thường gặp stress nhiều hơn một chút, nam giới bị stress ít hơn. Mức độ stress ở mối đối tượng nam và nữ cũng khác nhau.

Thực tế tác động của stress giống nhau nhưng do phản ứng, đáp ứng của từng stress lại theo đặc trưng ở mỗi giới. Khi đứng trước stress, nam giới bao giờ cũng tìm mọi cách giải quyết nó ngay, chấm dứt ngay. Ngược lại, phụ nữ thường hay để âm ỉ trong lòng. Và khi gặp stress, nam giới rất ít có nhu cầu chia sẻ với người khác, chỉ trừ những người thân trong gia đình như vợ hoặc người cực kỳ tri kỷ. Còn phụ nữ thì khác, họ dễ chia sẻ, nói ra hơn và như vậy gánh nặng stress cũng nhanh chóng vơi đi hơn.

 

 

Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]