Tại Hoa Kỳ, có nhiều tổ chức y khoa chuyên nghiên cứu về vấn đề Ðau Nhức Cơ Thể vì đây là một trong mấy rối loạn sức khỏe thường xẩy ra. Các tổ chức này đã phát động một chiến dịch để thỉnh cầu chính quyền các tiểu bang thừa nhận tháng 9 mỗi năm như là thời gian để mọi người ý thức được sự trầm trọng của niềm đau thể chất.

Ðồng thời họ cũng khuyến khích người cung cấp dịch vụ y tế gia tăng các phương thức điều trị để giảm khó khăn cho bệnh nhân.Cùng khi đó, vào tháng 3 năm 2005, dân biểu Mike Rogers đã đệ trình Hạ Viện Hoa Kỳ dự luật HR 1020 National Pain Care Policy Act of 2005, nhằm thúc đẩy chính quyền thành lập một Trung Tâm Quốc Gia về Ðau Nhức cũng như tăng cường sự hướng dẫn, nghiên cứu, điều trị Cơn Ðau. Dự Luật được thảo luận vào ngày 14 tháng 9 năm 2005.

Coi vậy ta thấy những cơn Ðau Thể Chất vẫn là một một ám ảnh lớn của người bệnh.

Vấn đề rõ ràng hơn nhất là trong thời gian vừa qua, một vài loại thuốc chống đau đã được rút khỏi thị trường sau khi có những nhận xét nghiêm khắc về tác dụng xấu của chúng.

Ngoài ra, đã có một thời kỳ, giới y tế cũng như công chúng đã không để ý nhiều tới sự điều trị và nghiên cứu về cảm giác đau của cơ thể khi bệnh hoạn thương tích.

Nhiều trường hợp đau vì ung thư hoặc đau cận tử đều không được chữa tới nơi tới chốn. Ðây là một thiều sót lớn của y giới vì điều trị Ðau Nhức một cách hữu hiệu là một phần rất quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân.

Vậy xin cùng tìm hiểu về những Cơn Ðau Thể Chất này.

Ðau là gì?

– Tự điển tiếng Việt định nghĩa Ðau là “trạng thái khó ở, nhức nhối về thể chất gây ra do thương tích và bệnh tật”.

Năm 1968, tác giả M. McCaffery định nghĩa “Ðau là bất cứ cái gì khó chịu mà nạn nhân nói ra và ở nơi nào mà họ chỉ”.

Năm 1979, Hội Quốc Tế Nghiên Cứu về Ðau định nghĩa: “Ðau là một kinh nghiệm khó chịu về cảm giác và xúc động gây ra do thương tích của tế bào hoặc được biểu lộ qua tình trạng hư hao của các tế bào”.

Còn Plato phát biểu bao quát hơn: “Ðau là cái gì liên can tới thể chất nhưng cũng nói lên kinh nghiệm khó khăn về tinh thần”.

Về y học, Ðau là phản ứng của cơ thể trước một kích thích. Kích thích được dây thần kinh ngoại vi tiếp nhận, truyền vào tủy sống rồi đưa lên phần Thalamus của não bộ, nơi mà cảm giác đau được phát hiện. Sau đó Thalamus lại chuyển tín hiệu đó tới vùng não trách nhiệm về cảm giác thể chất, cảm giác xúc động và sự suy tư. Não sẽ đưa ra biện pháp đối phó, thích nghi, cũng như tiết ra những hóa chất làm dịu cơn đau hoặc báo động sự hiểm nguy.

Do đó con người có phản ứng khác nhau với sự đau. Có người đau nhiều, người đau ít, có người tức giận có người thản nhiên. Cơn đau của Thiên Ðầu Thống chắc làm ta chú ý và phản ứng nhiều hơn là đau khi cắt quả táo mà lưỡi dao sắc lẹm nhẹ vào da.

Cường độ cảm giác đau cũng thay đổi tùy theo nhiều yếu tố.

Yếu tố từ con người như tâm trạng, thái độ đối với đau; kỷ niệm đau trong quá khứ; trình độ học vấn và giai tầng trong xã hội, tuổi tác và giống tính.

Một em bé chưa đi nha sỹ bao giờ mà chỉ nghe bạn bè kháo nhau “ông ấy khoan răng tao đau quá trời chúng mày ơi”, thì chắc sẽ khóc thét khi chỉ mới nhìn thấy ông bà nha sĩ.

Một lực sĩ chú tâm biểu diễn chắc có thể tỉnh bơ, cắn răng chịu đựng khi mũi giầy vấp vào vật cứng. Tâm trạng sợ hãi, mệt mỏi trầm buồn làm tăng cảm giác đau. Cũng như câu nói ‘Công chúa đứt tay khóc la như thợ cầy bị sừng trâu nhọn hoắt húc lòi ruột ra ngoài”.

Các sự việc này khiến ta liên tưởng tới khái niệm “ngưỡng cửa” về cảm giác đau (Pain Threshold), một giới hạn dưới đó ta tỉnh bơ với kích thích, với tác nhân gây đau.

Người có tín ngưỡng mạnh coi sự đau đớn như trừng phạt của Thương đế với tội lỗi của mình thì cũng chịu đựng được sự đau đớn.

Rồi lại còn yếu tố tập tục văn hóa khích lệ con người trai lỳ, ngậm bồ hòn làm ngọt “Bite the Bullet” trước cơn đau để biểu dương nhân cách cang cường.

Cảm giác Ðau hoàn toàn có tính cách cá nhân, chủ quan, không đo lường được nên chỉ có đương sự mới diễn tả được đau ở đâu, đau khi nào, đau nhiều hay ít. Do đó không ai có thể cảm thấy cái đau của người khác cũng như cơn đau của mỗi người mỗi khác. Và người chăm sóc phải luôn luôn coi lời than phiền là có thực, mà chẳng nên phủ nhận “rõ thực chỉ giả vờ” hoặc đánh giá thấp khó khăn của người bệnh.

Ðã có nhiều đề nghị thêm cảm giác Ðau vào Bốn Dấu Hiệu Sinh Tử Vital Signs được y học dùng từ nhiều thế kỷ để xác định tình trạng sức khỏe xấu tốt. Ðó là huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và nhiệt độ. Theo các giới chức này, Ðau là một dấu hiệu của bệnh tật và có thể được y giới dùng để ước lượng sự khỏe mạnh hoặc đau yếu của con người.

Với người lớn tuổi, hiện nay có một Thang Số Number Scale đánh số từ số 0 là không đau đến số 10 là đau nhiều nhất. Bệnh nhân sẽ được hỏi và ghi mức độ đau theo bảng này.

Ngoài ra còn Thang Nét Mặt Face Scale với nét bình thản, hơi nhăn nhó và đau phát khóc hoặc Thang với hàng chữ từ không đau tới đau vừa, đau nhiều hơn và đau lắm. Các Thang này giúp xác định cường độ đau cũng như để theo dõi kết quả điều trị.

Ðau nhức là một khó khăn rất thường xẩy ra. Cứ mười người thì có đến tám người than phiền đau nhức đâu đó trên cơ thể và là lý do đi khám bệnh nhiều nhất, đặc biệt là với các vị tuổi cao. Nào là đau lưng, nhức xương, thoái hóa cột sống, đau răng, đau mình, đau vì ung thư, đau sau giải phẫu, đau của người già, đau kinh kỳ phụ nữ. Thôi thì trăm thứ.

Theo thăm dò ý kiến thì chỉ 1 trong 4 người bị đau với các hậu quả như giảm sinh hoạt hàng ngày, đời sống khó khăn, lo ngại, trầm buồn, bực tức, vắng mặt nơi làm việc được là điều trị tới nới tới chốn. Số còn lại triền miên nhăn nhó với cơn đau.

Các loại Ðau

Về sinh hóa học, khi bị tổn thương, tế bào sẽ tiết ra mấy hóa chất đưa tới cơn đau, như Prostaglandins, Histamine, Serotonin, Cytokin. Hóa chất Endorphin lại làm bớt đau

Ðau có thể là mãn tính hoặc cấp tính tùy theo thời gian cơn đau kéo dài lâu mau và cũng tùy theo nguyên nhân gây ra Ðau.

a – Ðau cấp tính.

Ðây là một hỗn hợp nhiều cảm giác và xúc động khó chịu với mấy đặc tính như sau:

-Xuất hiện khi tế bào bị tổn thương và tan biến khi vết thương lành;

-Nhẹ thoảng qua nhưng đôi khi kéo dài vài tuần vài tháng;

-Khởi sự đột ngột, rất mạnh kèm theo vài phản ứng của cơ thể như la làng khóc lóc, đổ mồ hôi, huyết áp lên cao, tim đập nhanh, tức giận. Cũng có người thản nhiên như không có chuyện gì xẩy ra.

Các nguyên nhân thông thường của Ðau này là do thương tích, phỏng, gẫy xương, bong gân, giải phẫu, sanh đẻ, bệnh hoạn ở tình trạng nghiêm trọng.

Ngoài sự khó chịu, cơn đau cấp tính còn có vài tác dụng khác: báo hiệu, bảo vệ cho con người về nguy cơ và mức độ hư hao tế bào. Từ đó sẽ có một số phản ứng tự vệ như rút tay chân về, co bắp thịt hoặc thay đổi vị trí cơ thể để giảm đau như ôm bụng, nằm ngửa nằm nghiêng.

b – Ðau kinh niên.

Ðau kinh niên kéo dài khá lâu, sau thời gian lành của thương tích, bệnh hoạn hoặc có thể hết đi rồi tái xuất hiện. Ðau này nhiều khi khó trị vì không chữa dứt được nguyên nhân gây ra đau.

Trước đây đau kinh niên được hiểu như đau kéo dài dăm ba tháng.

Bây giờ ngoài thời gian lâu mau, đau này còn bao gồm các hậu quả như gây ra mất ngủ, khó khăn trong nếp sống, suy sụp tinh thần, thể chất. Nguyên nhân có thể là do chấn thương, hậu giải phẫu, ung thư, viêm xương khớp, bệnh dây thần kinh.

Ngoài ra ÐAU còn được phân chia làm nhiều nhóm tùy theo nguyên nhân thể chất:

a- Ðau do thương tích hoặc bệnh hoạn ở ngoài hệ thần kinh như hơi nóng, độ lạnh, va chạm mạnh hoặc do hóa chất kích thích. Gẫy xương, bong gân, phỏng, cóng giá, viêm vì nhiễm trùng, viêm khớp…là những thí dụ.

Ðau này có tính cách bảo vệ vì nó báo cho ta hay có rủi ro xẩy ra mà ta phải tránh.

Cơn đau thường ngầm ngầm và tiêu tan khi vết thương lành.

b- Ðau do tổn thương tế bào dây thần kinh ngoại vi hoặc trung ương như đau sau khi bị bệnh zona, tai biến não, trong bệnh tiểu đường, ghiền rượu kinh niên, ung thư, Hội chứng Ðường Hầm Cổ Tay, dây thần kinh bị u bướu đè lên…

Ðau thường kéo dài cả tháng, đôi khi nhiều năm dù sau khi vết thương đã lành.

c- Ðau hỗn hợp với thương tích trong ngoài thần kinh như với chứng thiên đầu thống, đau bắp thịt trên mặt.

d- Trường hợp Ðau Chi Ma Quái Phantom Limb Pain cũng rất đặc biệt. Người bệnh cảm thấy đau ở phần chân tay đã bị cắt cụt giống như cái đau ở phần chi đó trước khi được lấy đi. Ðây là một loại đau rất khó hiểu trong y học.

Ðặc tính cơn đau

a- Nơi đau – Ðau có thể tại chỗ như trên da, khớp xương, gân; thương tổn chỗ này mà đau chỗ khác như cơn đau tim angina lại đau ở cánh tay trái; viêm ruột dư góc dưới bụng bên phải lại đau nơi chấn thủy; đau dọc theo dây thần kinh như bệnh Zoster; đau toàn thân fibromyalgia.

b- Thời gian lâu mau – Ðau chớp nhoáng như kim châm; đau nhịp nhàng trong trường hợp thiên đầu thống migraine hoặc hư răng; từng cơn kéo dài khi đau ruột; đau tăng dần tới tột điểm, kéo dài một lúc rồi giảm như trong cơn đau tim angina; đau liên tục của viêm xương khớp; cơn đau kịch phát paroxysmal như tổn thương dây thần kinh.

c- Mức độ đau – Nhẹ ngoài da; đau dát; đau ngầm ngầm; đau quặn; đau như cắt, vặn ép; đau chớp nhoáng như điện giựt.

d- Ðau kèm theo các khó khăn khác như buồn nôn, ói mửa, nổ đom đóm mắt, ù tai.

Hậu quả Ðau không điều trị.
– Khi cơn đau kéo dài, cơ thể có một số đáp ứng sinh học để bảo vệ nhưng nếu kéo dài lâu hơn thì lại không tốt.

Chẳng hạn như khi đau tim không chữa thì tăng nhịp tim, huyết áp, sức cản thành mạch máu, sử dụng dưỡng khí, độ đông đặc máu. Hậu quả là mất cân, nóng sốt, tim phổi suy, kích xúc.

Ðau cơ quan hô hấp kinh niên thì ta sẽ giảm nhịp thở và phổi sẽ bị viêm hoặc sưng.

Ðau bao tử ruột thì các cơ quan này giảm nhu động để bớt đau khiến cho tiêu hóa chậm và đưa tới táo bón, kém dinh dưỡng, mất cân.

Cơ thể đáp ứng với đau xương khớp bằng co cứng bắp thịt, giảm cử động để bớt đau. Hậu quả là bất động, suy yếu, mệt mỏi.

Ngoài ra nếu không điều trị đúng đắn thì đau có nhiều nguy cơ trở thành kinh niên, đưa tới không hoàn tất được các công việc thường nhật như ăn uống tắm rửa, vận động cơ thể hoặc trở nên buồn phiền lo âu mất ngủ, cô lập, khó khăn trong việc làm tình. Ðau kinh niên cũng đưa tới giảm sản xuất, kém lợi tức, vắng mặt tại sở làm, trường học, thất nghiệp.

Khó khăn điều trị
Ðau là những khó khăn chủ quan nên chưa xác đinh được bằng đo lường khách quan, máy móc. Người bệnh diễn tả nhiều ít ra sao thì y giới theo đó mà sắp đặt phương thức điều trị, gia giảm liều lượng dược phẩm.

Nhiều vị nhất là cao niên không nói hết sự đau đớn vì sợ, vì không muốn cho là lắm chuyện hoặc vì thói quen chịu đựng hoặc không diễn tả được chi tiết, ngôn ngữ bất đồng.

Ngày 7 tháng 5 năm 2005 vừa qua, hệ thống thông tin ABC công bố kết quả một thăm dò do Bác sĩ Carmen R. Green thực hiện. Kết quả cho thấy nhiều bác sĩ cung cấp ít điều trị cho nữ giới hơn là nam giới mặc dù họ có cùng một thứ đau.

Ði khám bác sĩ – Ðể giúp bác sĩ trị liệu, bệnh nhân nên để ý mấy điểm như sau:

a-Khi đi khám bệnh lần đầu vì Ðau Nhức, nên ghi rõ thời gian và hoàn cảnh đưa tới khó chịu, các giải phẫu bệnh tật đã có, phương thức điều trị đã áp dụng.

b-Mang tất cả thuốc men đã dùng, kết quả thử nghiệm, hình quang tuyến.

c-Tả rõ đặc tính của cơn đau như là đau kéo dài bao lâu, bắt đầu từ chỗ nào, lan ra đâu, đau nhiều hay ít, các yếu tố làm đau tăng hoặc giảm…

d-Các phương thức chữa đau hiện thời hoặc trong quá khứ, kết quả điều trị;

e-Trong gia đình có ai bị đau như vậy không?

g- Ảnh hưởng đau vào các sinh hoạt hàng ngày cũng như vào các chức năng cơ thể.

h- Ghi những điều muốn hỏi bác sĩ như nguyên nhân gây đau, chữa thế nào, tác dụng ngoại ý của điều trị, tương lai đau sẽ ra sao, mình phải làm gì, bác sĩ sẽ làm gì, có cần khám bác sĩ chuyên môn nào khác, bao giờ tái khám, các ước vọng của mình với điều trị.

Ðiều trị
– Có nhiều cách điều trị các đau nhức:

1- Dược phẩm

a-Thuốc chống đau không á phiện và không steroid.
b-Thuốc chống đau có á phiện;
c- Các thuốc giảm đau hỗ trợ như thuốc trị bệnh kinh phong, trầm cảm, thuốc gây tê tại chỗ.

Không dùng dược phẩm như tâm lý trị liệu, phản hồi sinh học biofeedback, thư giãn, thôi miên, châm cứu, cây con thiên nhiên, vật lý trị liệu, xoa bóp, chườm nóng lạnh, tập luyện, bó bất động. Các phương thức này có vai trò phụ trợ chứ không thay thế cho dược phẩm, giải phẫu. Ngoài công dụng giảm đau, phương thức này còn giúp người bệnh bớt lo lắng, tăng khả năng kiểm soát, đối phó với cảm giác đau, giúp ngủ ngon, thư giãn cơ thịt, vui sống hơn.

2- Giải phẫu.
Thường thường thì các phương thức điều trị kể trên đều có thể giảm đau đớn cho người bệnh Tuy nhiên đôi khi cũng phải sử dụng tới phẫu thuật như thay khớp, cắt bỏ cung sau (lamicectomy) để giảm áp suất trên dây thần kinh, kết nối đốt sống (spinal fusion ), cắt dây thần kinh dẫn cảm giác đau…

3- Các kỹ thuật tân tiến: Một máy kích thích điện tử được cài vào cơ thể người bệnh để chặn không cho cảm giác đau lên não bộ; một máy bơm giỏ từng giọt thuốc giảm đau vào chỗ đau vừa tiết kiệm thuốc vừa tránh tác dụng ngoại ý.

4- Việc dùng cần sa, nicotine để giảm đau đang là đề tài tranh cãi. Theo một số nhà y học, cần sa công hiệu với các đau kinh niên ung thư. Nhưng mới giữa tháng Tư năm 2006 vừa qua, Cơ Quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ không đồng ý việc hợp thức hóa dùng cần sa để giảm đau vì “cần ngiên cứu thêm”. Riêng nicotine thì nghiên cứu tại Ðại Học Columbia cho biết có thể giảm cảm giác đau.

5- Bác sĩ Harold Koernig, Ðại Học Duke cho hay trong đau đớn có nhiều yếu tố liên hệ khác như lo sợ, trầm buồn, bực tức, mất hy vọng, cô đơn.

Niềm tin tôn giáo giúp giải tỏa các cảm xúc này thì cũng giảm các cơn đau.

Thăm dò của ABC News và nhiều bệnh nhân cũng đồng ý như vậy.

Tâm lý trị liệu cũng giúp bệnh nhân có kiến thức cặn kẽ về cơn đau và biết cách đối phó bằng thư giãn toàn thân.

Người bệnh cũng nên có một kế hoạch đối phó, thích nghi với khó khăn đau nhức. Họ cần hợp tác với thầy thuốc có kinh nghiệm để cùng tìm phương thức giảm thiểu; để ý tới các xúc động gây ra do đau nhức; nghỉ ngơi đầy đủ nhưng cũng không quên vận động cơ thể, dinh dưỡng cân bằng, nếp sống lành mạnh; không tự sống cô lập vì lý do đau mà nên gia nhập nhóm cùng cảnh ngộ để chia xẻ hỗ trợ lẫn nhau.

Ngoài ra có một vài ngộ nhận về điều trị đau kinh niên của giới cao niên mà ta cần để ý:

a-Ðau nhức không phải là một thành phần trong tiến trình hóa già như nhiều người tưởng. Nhưng tuổi cao thường dễ có những đau lưng, nhức gối vì lý do khác nhau như thời tiết, hoặc từ các bệnh kinh niên và đều có thể điều trị được, bằng cách này hay cách khác.

b-Nhiều người cứ ngại khi dùng thuốc chống đau có thuốc phiện vì sợ bị ghiền. Thực ra dùng lâu có thể khiến bệnh nhân tùy thuộc vào thuốc nhưng không phải lúc nào cũng ghiền thuốc. Trước khi cho các thuốc này, bác sĩ thường cân nhắc kỹ càng từng trường hợp.

Kết luận
Ðau Nhức không những là vấn đề sức khỏe cá nhân mà còn ảnh hưởng tới tình trạng kinh tế, xã hội của đất nước. Theo viện Quốc Gia Hoa Kỳ về An Toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp thì hàng năm Ðau Nhức đã đưa đến thất thoát cả trăm tỷ mỹ kim vì đau khiến công nhân không làm việc được, vì phí tổn chăm sóc điều trị.

Người bị đau nhức kinh niên có thể trở thành xa cách, cô lập với gia đình, bạn bè cũng như không chu toàn chăm sóc được con cái, vợ chồng. Và đó mới là điều đáng buồn, đáng quan tâm.

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức (Câu Chuyện Thầy Lang)
Texas-Hoa Kỳ
(Theo MS NTC SUU TAM)
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]