Ngày càng nhiều nghiên cứu cũng khẳng định, những người thường xuyên bị stress là đối tượng bị nguy cơ mắc bệnh ung thư cao nhất. Stress cũng thường tạo ra hoặc làm nghiêm trọng hơn triệu chứng các bệnh tự miễn dịch thí dụ các bệnh tuyến giáp như Hashimoto, Graves-Besedow, bệnh viêm khớp, tiểu đường dạng 1, hội chứng khô mắt và bệnh viêm niêm mạc ruột già.
Nhiều chứng cứ cho thấy, stress có thể đóng vai trò nhất định trong xuất hiện các rối loạn tâm lý. Ngoài số lượng lớn các bệnh thần kinh, giới chuyên môn cho rằng, stress cũng là thủ phạm phát sinh các bệnh tâm lý như trầm cảm và tâm thần phân liệt.
Stress xuất hiện quá thường xuyên và kéo dài quá lâu có thể dẫn đến những rối loạn nghiêm trọng chức năng cơ thể. (ảnh minh họa)
Stress là hiện tượng rất phức tạp và rất khó định nghĩa chính xác. Trong cuộc sống thường nhật khái niệm này thường được dùng để mô tả trạng thái bực bội hoặc tâm lý bất an. Phạm trù “stress” có nguồn gốc từ vật lý ám chỉ đủ loại căng thẳng, sức ép hoặc áp lực tác động đến trạng thái tâm lý. Khái niệm stress được BS Hans Hugon Selye, chuyên gia nội tiết Canada gốc Áo đưa vào lĩnh vực sinh học. Theo BS Sellye, stress là phản ứng chức năng chấp nhận của cơ thể xuất phát từ sự khác biệt giữa năng lực và đòi hỏi của tình huống, xui khiến đối tượng quyết định hành vi ứng xử nhằm lấy lại trang thái cân bằng, tức homeostasis. Homeostasis là trạng thái bình thường của tất cả các cơ thể sống. Homois – sự cân bằng; stasis – sự tồn tại (theo tiếng Hy Lạp), tức homeostasis có nghĩa sự ổn định, trạng thái cân bằng môi trường bên trong cơ thể. Cơ thể khỏe mạnh và đề kháng tốt với mọi bệnh tật – nếu trạng thái cân bằng này được duy trì.
Trong thuật ngữ y học stress là tình trạng rối lọan homeostasis do nhân tố thể chất hoặc tâm lý gây ra. Stress trong cắt nghĩa phản ứng của cơ thể với những nhân tố bên ngoài là di sản tiến hóa của loài người. Trong quá khứ xa xưa, ở con người, phản ứng với stress thường đòi hỏi chiến đấu hoặc chạy trốn, tức hành động dứt khoát và chớp nhoáng. Bất chấp nhiều ngàn năm tiến hóa đã trôi qua, cho đến nay phản ứng đầu tiên với nhân tố stress vẫn là sự kích hoạt một phần hệ thần kinh có tên hệ đồng mẫn cảm.
Hệ quả trong vòng vài giây tuyến thượng thận tiết ra với cường độ cực mạnh hai hormone: adrenalin và noradrenalin. Hiện tượng dẫn đến sự tăng tốc nhịp tim, hô hấp, giãn nở đồng tử – tức cơ thể chuẩn bị chiến đấu hoặc chạy trốn thông qua tăng cường trao đổi chất và năng lực tri giác.
Nếu tình trạng stress kéo dài hơn bình thường hoặc yếu tố stress quá mạnh cơ thể sẽ huy động thêm hệ sinh học tiếp theo, tức trục dưới đồi-chân đồi não bộ-tuyến thượng thận. Vùng vỏ não dưới đồi tiết ra hormone cortycoliberyne (CRH), hợp chất kích thích vùng chân đồi tiết ra hormone cortycotropin (ACTH). Tiếp theo ACTH kích thích tuyến thượng thận tiết ra mineralocortycoid và glucocortycoid ( trong đó cortyzol chiếm tỷ lệ cao nhất). Cortyzol là thành phần hoạt chất mạnh nhất trong tất cả các glucocortycoid và đóng vai trò quyết định trong điều chỉnh các quá trình trao đổi chất của cơ thể – khi bị stress. Thông qua việc kìm hãm tiêu thụ các hợp chất trao đổi chất và cùng lúc khơi gợi tuyến nội tiết sản xuất hormone, cortyzol cung cấp glucoza, axit amin và các axit béo cho máu. Nó cũng dập tắt các mầm mống phản ứng tự miễn dịch và viêm nhiễm. Việc giải phóng cortyzol vào tuần hoàn máu đảm bảo việc duy trì nồng độ adenozynotrifosforan (ATP –“nhiên liệu năng lượng” của tế bào) trong cơ thể. Tóm lại, các hormone do tuyến thượng thận tiết ra chuẩn bị cho cơ thể hoạt động tức thì, trái lại cortyzol đảm trách nhiệm vụ huy động năng lượng (glucoza) và những hợp chất cần thiết khác, để duy trì hoạt động này.
Ngày càng nhiều nghiên cứu cũng khẳng định, những người thường xuyên bị stress là đối tượng bị nguy cơ mắc bệnh ung thư cao nhất. (ảnh minh họa)
Định nghĩa stress và những quá trình diễn ra trong cơ thể trong tình huống stress được giới thiệu ở trên cho thấy những mặt tích cực của nó như nỗ lực giúp con người tồn tại. Có thực tế phi lý: một mặt, với tư cách phản ứng của cơ thể với mối đe dọa, không nghi ngờ stress là lợi nhuận mang tính tiến hóa; mặt khác stress gắn liền với số lượng khổng lồ bệnh tật. Từ đâu xuất hiện nghich lý này?
Như đã nhắc ở phần trên, ở con người nguyên thủy, phản ứng với stress là quyết định “chiến” hoặc trốn chạy, hành động chớp nhoáng, mạnh mẽ để rồi sau đó xuất hiện thời gian thư giãn cho đến mối đe dọa tiếp theo. Chúng ta có thể quan sát những tình huống tương tự ở động vật sống hoang dã. Trên không gian nhiều ngàn năm con người đã tạo nên trong sự tiến bộ của nền văn minh những xã hội sống trong điều kiện ngày càng khác xa lối sống nguyên thủy. Đặc biệt vài chục năm qua đã mang lại sự thay đổi hàng loạt lối sống và gần như hoàn toàn cách ly con người khỏi tự nhiên. Cuộc sống hiện đại đòi hỏi sự thích nghi hoàn toàn khác, trong khi việc cải biến môi trường sống và lối sống diễn ra quá nhanh đối với các cơ chế tiến hóa. Cơ thể chúng ta và những cơ chế hormone thần kinh vẫn tồn tại không đổi và phản ứng với các mối đe dọa y hệ cách đây nhiều ngàn năm. Và rắc rối nảy sinh ở chính chỗ này.
Cần phải nhấn mạnh rằng, không phải tất cả stress đều xấu. BS Hans Selye, cha đẻ khái niệm stress đã kể phân biệt stress mang tính xây dựng và stress tiêu cực. Nhà khoa học Đức cho rằng, stress có thể thực hiện chức năng tích cực, một khi nó động viên con người hoạt động hiệu quả hơn trong một số tình huống. BS Selye đặt tên cho stress tích cự là eustress; và đặt tên distress cho stress thái quá gây tổn hại.
Các nghiên cứu hiện đại xác nhận, với liều vừa phải, stress động viên làm việc, kích thích hoạt động, là động cơ sức mạnh. Stress có mức độ tăng cường khả năng tự xoay sở với đòi hỏi thích nghi môi trường, nhờ thế tạo điều kiện phát triển tâm lý. Nhiều nhà nghiên cứu hiện tuợng xác nhận nó như nhân tố cơ bản của sự phát triển. Với liều thích hợp, stress là động cơ hành động. Stress mang lại tác dụng không mong muốn, chỉ một khi nó quá mạnh hoặc kéo dài. Stress xuất hiện quá thường xuyên và kéo dài quá lâu có thể dẫn đến những rối loạn nghiêm trọng chức năng cơ thể. Ngay từ những năm 50, thế kỷ XX, BS Selye đã đưa ra giả thiết cho rằng, rất nhiều bệnh thể chất là hậu quả bất lực của con người trong cố gắng tự xoay sở với stress. Ông đặt tên cho sự bất lực này là hội chứng thích ứng chung và đã mô tả trong cuốn sách “Stress cuộc sống”.
Thủ phạm chính và nguồn gốc những chứng bệnh do stress gây ra là stress kinh niên. Việc lý giải khái niệm allostasa do GS. BS Bruce McEwan, một trong những nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về cơ chế stress sử dụng là việc làm cần thiết, để hiểu được cơ chế hoạt động của nó. Theo GS. BS McEwan, đáp lại những thay đổi mạnh mẽ của môi trường, cơ thể giảm thiểu hoặc tăng cường sức mạnh nội lực nhằm xác lập trạng thái cân bằng mới. Năng lực duy trì trạng thái cân bằng thông qua thực hiện những thay đổi nhiều hệ thống của cơ thể được GS. BS McEwan gọi là allostasa (sự ổn định thông qua thay đổi, theo tiếng Hy Lạp).
Allostasa tích cực duy trì sự ổn định của môi trường bên trong cơ thể. Đó là trạng thái, mà cơ thể trải nghiệm, nhưng gánh chịu những hậu quả bất lợi. Trong điều kiện bình thường allostasa cần duy trì trạng thái cân bằng đến thời điểm xuất hiện sự chấp nhận cuộc sống mới của cơ thể hoặc biến mất sự thay đổi môi trường. GS. BS McEwan gọi nó là gánh nặng allostatic, một khi việc duy trì allostasa quá giai đoạn cần thiết đến thời điểm, khi nó bắt đầu mang lại nhiều thiệt hại hơn lợi ích. Gánh nặng allostatic duy trì thời gian dài sẽ gây những chấn thương tâm lý nặng nề và có thể dẫn đến tử vong.
Trò chuyện chân thành với bạn bè, chia sẻ với bạn những phiền muội hành hạ bản thân cũng mang lại trạng thái thư giãn nhất định. (ảnh minh họa)
Xuất hiện câu hỏi: nếu nền văn minh hiện tại liên tục gây ra cho chúng ta trạng thái stress không thể đoán trước, dẫn đến nhiều chứng bệnh thể chất và các rối loạn tâm lý, vậy thì tại sao vẫn có nhiều người khỏe mạnh? Có thể thực tế tồn tại những cá thể khỏe mạnh trong thế giới cạnh tranh và ganh đua khốc liệt hiện nay chỉ là vấn đề thời gian. Giới khoa học chọn trầm cảm là bệnh đặc thù của thế kỷ XXI cuộc sống ngày càng bi đát và bấp bênh, ngay năm 2000 tại Mỹ bệnh mạch vành đã là nguyên nhân tử vong cao nhất, người ta cũng quan sát được tình trạng gia tăng đột biến các bệnh ung thư (ung thư vú, tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tụy, ung thư phổi, ung thư não, ung thư tinh hoàn…), bệnh đường tiêu hóa và bất lực gắn liền với thành công nghề nghiệp, bệnh tâm thần đã trở thành phổ biến như xổ mũi nhức đầu, còn các số liệu thống kế cho thấy, tình hình còn tồi tệ hơn trong những năm tới.
Con số gia tăng đột biến những người nghiện đủ loại chất kích thích và an thần trong những năm qua xuất phát chủ yếu từ mong muốn giảm thiểu tối đa mức độ stress, cải thiện không khí và tách khỏi thực tế mệt mỏi. Hậu quả dẫn đến sự gia tăng làn sóng các bệnh gây ra bởi việc sử dụng thường xuyên các hợp chất độc hại và dẫn đến sự gia tăng tần suất các bệnh do stress gián tiếp gây ra. Cũng may vẫn có không ít phương pháp cho phép con người giải phóng khỏi tác động tiêu cực của stress đối với sức khỏe. Làm việc gì đó bản thân thích thú khả dĩ giúp con người vượt qua stress. Điều kiện: công việc đó bắt buộc thu hút mọi sự chú ý của chúng ta. Điều quan trọng, để phát triển sở thích của mình, cần làm những gì mang lại cho bản thân cảm giác thoải mái. Không được phép để xảy ra tình trạng tích tụ stress.
Trò chuyện chân thành với bạn bè, chia sẻ với bạn những phiền muội hành hạ bản thân cũng mang lại trạng thái thư giãn nhất định. Yoga và thiền ngày càng thu hút đông đảo công chúng tham gia. Việc kết hợp các thành phần bài tâp thể chất, kỹ năng hô hấp và trí tuệ phát huy tác dụng cắt giảm stress, cùng lúc dẫn đến cải thiện sức khỏe thể chất tâm lý. Gần đây thậm chí cả ngành công nghiệp dược phẩm cũng tung ra thị trường vô số tân dược và thực phẩm chức năng được quảng cáo “chớp nhoáng loại bỏ mọi hiệu ứng bất lợi của stress”. Liệu tất cả đã đủ? Liệu điều đó có cho phép chúng ta kiểm soát được stress độc hại và tồn tại như một loài được tạo ra trong thế giới không mấy thân thiện? Thời gian sẽ trả lời.
Theo Nguyễn Hanh (Tri thức trẻ)
Giảm căng thẳng từ những mẹo đơn giản nhất
Dương chia sẻ: “Mình dậy sớm hơn một chút để thể dục, buổi trưa thì ngủ hoặc ‘buôn dưa lê’ buổi trưa cùng chị em trong công ty. Hiệu quả lắm, không còn áp lực nữa”.
Công việc gây stress
Dương Cao (26 tuổi, Hà Nội) làm Quản lý chất lượng của một công ty về phầm mềm. Do tính chất của công việc phải đảm bảo quản lý chất lượng hoạt động ổn định nên không lúc nào cô bạn cho phép mình rời khỏi máy vi tính nối mạng quá 2 tiếng đồng hồ.
Thêm vào đó, khi nào đúng vào đợt đánh giá ISO là cả phòng lại tất bật, nháo nhào với hàng tá các công việc, lớn nhỏ. “Người ta thường ví von rằng làm quản lý chất lượng giống như một người đi xe. Anh ta phải đạp liên tục để xe không bị dừng lại và trong trong lúc đạp thì phải quan sát xung quanh để tránh tất cả các chướng ngại vật, các rủi ro có thể xảy ra. Trong quản lý chất lượng cũng vậy, phải cải tiến liên tục chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm thỏa mãn khách hàng và tạo vị thế cạnh tranh trên thị trường. Đó là điều mình cảm thấy áp lực nhất trong công việc” – Dương chia sẻ.
Không ít lần Dương Cao phải từ chối những buổi đi chơi dã ngoại với anh xã chỉ để tập trung vào công việc.
Áp lực công việc khiến cô bạn luôn trong tình trạng mệt mỏi, thậm chí dễ cáu gắt, stress… Thực ra không phải mỗi Dương cảm thấy mệt mỏi với công việc mỗi khi tới đợt kiểm tra, mà trong cả phòng, ai cũng mệt và phải căng sức ra làm. Thế nhưng bỗng một ngày, ai cũng thấy Dương phơi phới, giải quyết công việc tơi tới.
Dương chia sẻ: “Đó là mình dậy sớm hơn một chút, chăm thể dục tại chỗ, buổi trưa thì ngủ hoặc ‘buôn dưa lê’ buổi trưa cùng chị em trong công ty. Hiệu quả lắm, mình không còn cảm thấy áp lực hay căng thẳng nữa”.
Dậy sớm: Mẹo giảm stress đơn giản, dễ làm lại hiệu nghiệm
Nếu như trước đây, Dương cứ phải hốt hoảng và “phi như bay” vào nhà tắm mỗi khi chuông đồng hồ báo thức thì nay cô bạn còn có thời gian để thể dục giúp tinh thần minh mẫn và sảng khoái hơn. Đó là bởi vì, Dương đặt chuông đồng hồ sớm lên.
Dương nhận ra rằng, khi không biết cách sắp xếp thời gian một cách khoa học, công việc bị dồn ứ, thì đương nhiên sẽ dẫn tới việc mình hay bị stress trong công việc… Vì thế, thay bằng việc đặt chuông lúc 7h để dậy, Dương đã đặt sớm lên 1 tiếng để có nhiều thời gian sắp xếp công
việc.
“Sáng sớm là thời gian lý tưởng để phát triển cá nhân” – Dương tự nhận xét. “Đã bao nhiêu lần mình tự mắng mình là lúc nào cũng “cắm đầu cắm cổ” phi như bay vào nhà tắm để rồi quáng quàng đi tới công ty nhưng từ khi dậy sớm, mình nhận ra rằng mình đã giải quyết được rất nhiều việc”.
“Thời gian tĩnh lặng buổi sáng là món quà quý giá mà mình đã sử dụng để rèn luyện sức khỏe, sắp xếp trước công việc cho ngày hôm đó, đọc thêm vài tài liệu phục vụ cho buổi họp đầu giờ nếu có…”, cô bạn chia sẻ.
Một ưu điểm lớn của dậy sớm đó là những cuộc hẹn của cô bạn với đối tác sẽ được triển khai dễ dàng hơn, vì Dương không bị lỡ hẹn và luôn tỉnh táo khi cần giải quyết công việc. Chính vì vậy mà Dương thấy công việc của mình cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Do phải thường xuyên làm việc với máy tính nên cũng như nhiều chị em khác, Dương tự tìm những biện pháp giải tỏa mệt mỏi, đau nhức người cho mình. Trong lúc làm việc, cứ vài tiếng, cô bạn lại đứng dậy, đi lại vài phút và vung vẩy tay chân để cho sự co giãn gân cốt được tốt nhất.
Dương gợi ý cho chị em văn phòng đó là những động tác thể dục đơn giản như xoay vai, cổ, lắc bụng khi được học trong trường cấp 3 cũng là những bài học rất thiết thực để cải thiện tuần hoàn máu, tránh stress. Các động tác này đặc biệt tốt với những chị em phải làm việc với áp lực cao như Dương.
Ngủ trưa hoặc “buôn dưa”
Dù nhiều việc nhưng do dậy sớm, sắp xếp tốt các đầu việc nên Dương dễ dàng tự thưởng cho mình một giấc ngủ trưa ngắn, chỉ 15 phút thôi.
Dương chia sẻ: “Giấc ngủ trưa ngắn này giúp mình lấy lại được tinh thần và sinh lực làm việc cho buổi chiều. Có thể buổi sáng hơi mệt mỏi với họp hành, công việc nhưng chỉ cần 15 phút ngắn ngủi kia thôi là mình thấy thoải mái lắm rồi”.
Và nếu không ngủ thì có thể “buôn”, Dương chia sẻ: “Đây là một cách mà đa số chị em dân văn phòng tụi mình hay làm mỗi khi sếp không có ở văn phòng”. Theo cô bạn, đôi khi vài câu chuyện phiếm hay chia sẻ một số kinh nghiệm sống cũng giúp cô bạn quên đi cảm giác mệt mỏi và căng thẳng.
Những buổi trưa đó, ngoài việc giảm stress trong công việc, Dương lại có thời gian cởi mở hơn, thân thiện hơn với chị em đồng nghiệp.
Cô bạn nói: “Nhờ những buổi trưa tràn ngập tiếng cười đó, mình cảm thấy trẻ ra vài tuổi, chị em lại hiểu và chia sẻ với nhau được nhiều điều hơn trong cuộc sống và công việc. Mình cảm thấy vừa thoải mái, vừa biết cách điều chỉnh công việc. Đó cũng chính là lý do tại sao mình không còn cảm thấy công việc của mình quá nặng nề và đầy áp lực nữa”.Nếu bạn cũng muốn khỏe mạnh, thoải mái và xinh đẹp như Dương Cao, hãy chọn cho mình một cách giảm stress phù hợp nhé.
Người bị stress dễ phát bệnh vảy nến
Có những trường hợp sau sang chấn tâm lý, mất người thân, làm việc căng thẳng…, tự nhiên phát bệnh vảy nến.
Bệnh không chữa khỏi được, bệnh nhân không nên tìm cách chữa bằng mọi giá, mà chung sống hòa bình với nó.
Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại buổi mítting hưởng ứng Ngày Vảy nến Thế giới (29/10) tổ chức tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Ông Trần Hồng Trường, Chủ tịch Chi hội Vảy nến Việt Nam, cho biết vảy nến hay Psoriasis là một bệnh mãn tính, làm tổn thương da và xương khớp. Ước tính khoảng 3% dân số Việt Nam mắc căn bệnh này, thuộc đủ lứa tuổi, không kể nam hay nữ. Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc đến tuổi 30-40 tuổi thì khởi phát.
“Có nhiều yếu tố thuận lợi khiến bệnh khởi phát, tuy nhiên những người bị stress thường dễ phát bệnh hơn. Nói như vậy không có nghĩa là ai căng thẳng cũng bị vảy nến mà còn do yếu tố cơ địa, rối loạn miễn dịch…”, ông Trường nói.
Cơ thể ông Bảo loang lổ những vết đỏ, bong vảy, hai bàn tay thì biến dạng khớp. Ảnh: N.P.
Theo ông, bệnh không lây nhiễm nhưng để lại gánh nặng nghiêm trọng về tâm lý. Nhiều người thấy xấu hổ, tự ti, không muốn để người khác thấy những tổn thương trên da mình, thậm chí có trường hợp rơi vào trầm cảm, thất vọng, nghiện ngập… Không chỉ mặc cảm với bản thân, họ còn bị cộng đồng kỳ thị vì nhầm với các bệnh truyền nhiễm khác như phong, giang mai và thậm chí cả HIV/AIDS.
Trường hợp của ông Ngọc Bảo, 59 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội, là một ví dụ. Cách đây 4 năm, ông thấy các khớp ở tay bắt đầu sưng, đau nhức, 2 năm sau thì cả người ông bắt đầu loang lổ những mảng đỏ, ngứa, bong vảy, khiến ông vô cùng khó chịu.
Đến giờ thì các khớp bàn tay đã biến dạng, khiến ông hầu như không thể cầm, nắm được. Không lao động được như trước kia, lại mất bao nhiêu tiền để chạy chữa bệnh khắp nơi nhưng bệnh ông vẫn không khỏi.
“Tôi không hiểu vì sao mình lại mắc bệnh. Khổ lắm, chân tay người ngợm như bị ghẻ lở, nhiều người nhìn thấy cứ tưởng mình mắc bệnh gì
mà trông bẩn thỉu thế. Nếu mà chữa được khỏi thì bao nhiêu tiền tôi cũng tiếc”, ông Bảo buồn bã nói.
Cũng giống như ông Bảo, chị Hoàn, 33 tuổi, Hà Nội, sống chung với căn bệnh này suốt 6 năm nay. Phát bệnh được một năm thì chị bị chồng bỏ. Từ đó một mình chị nuôi 2 đứa con nhỏ, vừa dành dụm tiền chữa bệnh. Năm nào ít thì cũng 30 triệu, nhiều 50-70 triệu đồng, nhưng bệnh vẫn không khỏi.
“Nghe nói chỗ nào quảng cáo chữa được vảy nến, tôi đều tìm đến tận nơi. Nhưng có chỗ thì không ăn thua, có chỗ cũng chỉ được một thời gian lại tái phát. Giờ tôi chỉ ước giá như mình khỏi bệnh, mỗi lần phát bệnh là đau đớn, khó chịu cả người”, chị Hoàn nói.
“Thực tế, thái độ sống tiêu cực chỉ khiến bệnh càng trở nên trầm trọng hơn. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, để chữa được bệnh thì 50% không phải do bác sĩ mà do tâm lý của người bệnh”, ông Trường cho biết.
Tâm lý của người bệnh là vái tứ phương. Muốn chữa khỏi bệnh thì phải biết nguyên nhân, thế giới vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh. Vì thế, ông Trương cho rằng người bệnh nên sống lạc quan, không nên kiêng khem quá mức, không chữa bệnh bằng mọi giá và thiếu hiểu biết. Thay vì đó chung sống với bệnh một cách hòa bình, một cách tự nhiên như không có vảy nến. Nếu biết cách phòng ngừa thì bệnh có thể ít tái phát hoặc tái phát ở mức độ nhẹ.
Bí quyết giảm stress nơi công sở
Hãy thực hiện vài động tác thể dụng nhẹ nhàng, uống nước, tạo thói quen một giấc ngủ trưa ngắn… sẽ giúp bạn bớt căng thẳng tại nơi làm việc.
Công việc quá nhiều khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và thường xuyên bị stress, làm việc kém hiệu quả vì tinh thần và sức lực không còn “sung” nữa. Để giải tỏa căng thẳng, bạn hãy thực hiện một vài cách đơn giản sau:
Khởi động vài động tác thể dục nhẹ nhàng
Bạn cảm thấy không thoải mái khi phải ngồi làm việc nhiều trước màn hình vi tính. Có cảm giác tê cứng ở chân, có khi còn bị chuột rút, cảm thấy bứt rứt rất khó chịu.
Hãy đứng dậy, đi lại vài phút và vung vẩy tay chân để cho sự co giãn gân cốt được hoạt động trở lại. Đừng quên một số động tác ở cổ, vai và bụng.
Nếu dành khoảng 5 phút làm việc này, bạn cải thiện tuần hoàn máu, ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch, bài trừ được axit uric gây tổn thương khớp và tránh được nguy cơ tích tụ mỡ bụng.
Vài câu chuyện phiếm hay chia sẻ một số kinh nghiệm sống cũng giúp chúng ta quên đi cảm giác mệt mỏi và căng thẳng. Ảnh Internet
Uống nước
Mắt mỏi do làm việc nhiều với máy tính và cảm thấy muốn ngủ, đó chính là dấu hiệu của tình trạng thiếu nước. Các nhà khoa học cho rằng, nếu cơ thể thiếu chỉ 1- 2% nước cũng làm chậm quá trình suy nghĩ.
Để tránh điều này bạn luôn có 1 chai nước ngay trên bàn làm việc của mình để uống kể cả lúc chưa có cảm giác khát nước. Uống nước đầy đủ sẽ gúp bạn giảm 7% nguy cơ ung thư.
Ngủ trưa
Hãy tạo cho mình thói quen tốt là một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa (ngay tại văn phòng hay tại nhà đều tốt). Giấc ngủ trưa ngắn này giúp bạn lấy lại tinh thần và sinh lực làm việc cho buổi chiều.
Tìm một nơi yên tĩnh có thể nằm không thoải mái nhưng bạn cũng được thư giãn cơ, đặc biệt là vùng cổ và mắt. Hơn nữa, bộ não cũng cần phải nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, stress trong công việc.
Tại sao không “buôn chuyện”?
Đây là một cách mà đa số chị em “dân văn phòng” hay làm mỗi khi sếp không có ở văn phòng. Đôi khi vài câu chuyện phiếm hay chia sẻ một số kinh nghiệm sống cũng giúp chúng ta quên đi cảm giác mệt mỏi và căng thẳng.
Tuyệt đối không được áp dụng nhiều sẽ ảnh hưởng đến công việc và nếu không may “sảy miệng” với đồng nghiệp thì quan hệ trong môi trường làm việc sẽ không được thoải mái.
xả stress, thói quen xả stress, thể dục giảm stress
Stress cũng có nhiều điểm tốt ?
Sự căng thẳng luôn là một thói quen xấu, không tốt cho sức khỏe – bạn đã nghe điều này hàng nghìn lần. Nhưng bạn đã bao giờ nghe nói: stress tốt cho hệ miễn dịch và có nhiều tác dụng khác?
Đó là kết luận mới của giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi Firdaus Dhabhar – thành viên của Viện Đại học Stanford.
Sự căng thẳng trong ngắn hạn có thể kích thích hoạt động miễn dịch. Và đó là một điều tốt.
Hệ thống miễn dịch rất quan trọng trong chữa lành vết thương và ngăn ngừa hoặc chống nhiễm trùng – theo tạp chí Psychoneuroendocrinology.
Làm việc với các đồng nghiệp tại Đại học Stanford và hai trường đại học khác, giáo sư Dhabhar cho thấy rằng: Các tế bào miễn dịch trong cơ thể được dàn xếp bởi ba loại hormone do tuyến thượng thận sản sinh ra. Các loại hormone này được sản sinh với lượng khác nhau ở những thời điểm khác nhau và có liên quan tới sự căng thẳng.
Một trong số các hormone này là cortisol (hay còn gọi là “hormone căng thẳng”) khi xuất hiện sẽ làm tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể, nhưng chỉ trong trường hợp cân bằng và vừa phải.
Những đợt bùng nổ stress có thể giúp cơ thể trở nên mạnh mẽ, sôi nổi và thậm chí là khỏe mạnh hơn, nhưng căng thẳng quá mức có thể dẫn đến quá tải cortisol, là nguyên nhân gây ra béo bụng. Và loại “béo phì cục bộ” này có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2 và bệnh mạch máu não.
Ngoài ra, cũng theo nhiều nghiên cứu khác nhau đã kết luận thì stress còn có thêm một số tác dụng như sau:
– Khỏe mạnh hơn sau khi phẫu thuật: Stress có thể ngăn chặn việc sản sinh estrogen – một tác nhân quan trọng dẫn đến sự hình thành căn bệnh ung thư vú.
Cho dù quan điểm này vẫn chưa hoàn toàn được giới khoa học nhất trí, nhưng đó vẫn là một bằng chứng cho thấy stress không hoàn toàn xấu – tiến sĩ chuyên khoa tâm thần Goulston giải thích.
– Giúp bạn phát triển: Stress và lo âu ở mức độ vừa phải có thể giúp bạn có thêm năng lượng, sự tập trung và động lực để phấn đấu. Không có nó, bạn thường sẽ không có được sự nỗ lực hết mình và dễ dàng phạm sai lầm.
Sự thoải mái quá mức trong công việc có thể khiến bạn trở nên chủ quan, không “động não” và rất khó đạt được những bước tiến trong sự nghiệp.
Tuy nhiên, quá nhiều căng thẳng có thể làm hạn chế khả năng đưa ra các giải pháp sáng tạo, làm giảm năng lượng và hiệu quả của bạn trong công việc.
– Yêu đời hơn: Theo Tiến sĩ Jessica Matthews, chuyên viên giáo dục của American Council on Exercise (ACE) thì: “Sự căng thẳng do các hoạt động thể dục vừa phải giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và nhiều tác động tích cực khác”.
Từ góc độ sinh lý, các yêu cầu đặt ra cho cơ thể trong quá trình luyện tập sẽ giúp cơ thể thực hiện các hoạt động hàng ngày hiệu quả hơn.
Tập thể dục vừa phải cũng giúp giảm nồng độ của các hormone căng thẳng (cortisol) trong cơ thể con người, đồng thời còn làm gia tăng nồng độ endorphins có tác dụng giúp bạn cảm thấy tươi vui, yêu đời hơn.
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com