Trong cuộc đời, chúng ta thường chậm trễ. Nghĩa là không đúng với cái thời gian được qui định. Trẻ thơ nào thiếu dinh dưỡng, thân thể không phát triển bình thường đúng theo thời gian – chậm lớn là tình trạng phát triển trễ nải. Và người nào chẳng có mục tiêu và giai đoạn tiến trình thì không còn… trễ nải…

Attachment:  TRỄ NẢI

Trong cuộc đời, chúng ta thường chậm trễ. Nghĩa là không đúng với cái thời gian được qui định. Trẻ thơ nào thiếu dinh dưỡng, thân thể không phát triển bình thường đúng theo thời gian – chậm lớn là tình trạng phát triển trễ nải. Và người nào chẳng có mục tiêu và giai đoạn tiến trình thì không còn… trễ nải. Cái cảm tưởng “ngày dài tháng rộng” vào lúc đầu năm dễ khiến ta thấy thảnh thơi. “Đi đâu mà vội mà vàng”. Rồi trì hoãn, lần lữa và bóng dáng những ngày dài kế tiếp đủ điều kiện thuận và tốt nuôi dưỡng trễ nải. Chúng ta có thể trễ trên đường công danh, bất quá thì than: Tóc hen hai thứ chưa danh chi Thân hỡi là thân, thì hỡi thì. Nguyễn Hữu Chỉnh Chúng ta có thể hoặc cam phận trễ trong nhiều điều ước nguyện vì “lực bất tùng tâm” hay dùng “số phận” để tự an ủi thì cũng không đến nỗi nào. Duy có sự trễ nải về sự cứu rỗi linh hồn mình thì thật là đại họa. Sự cứu rỗi, giải thoát theo thuyết luân hồi không đáng lo lắm. Kiếp này không được giải thoát thì còn muôn vạn kiếp có cơ hội giải thoát. Trễ nhưng còn. Sự cứu rỗi, giải thoát theo lời Kinh Thánh dạy, chỉ có một cơ hội duy nhất là lúc còn sống trong đời này. Không được cứu rỗi trước khi chết là mất chớ không còn trễ. Nhưng nào ai có thể biết được giờ phút nào mình sẽ gặp sự chết, giã từ cuộc sống trên trần gian. Lời Kinh Thánh đã khẳng định: “kìa, hiện nay là thì thuận tiên; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!” (II Cô – rinh – tô 6:2). Đến bấy giờ mà quý vị chưa chịu tin nhận Đức Chúa Giê xu làm Cứu Chúa của mình để được Đức Chúa Trời tha tội và ban cho sự sống đời đời như lời Ngài phán: “vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một (Chúa Giê – xu) của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16), thì thật là quá trễ. Trễ còn hơn không. Đừng để mất trong giờ chúng ta không thể ngờ. Nhiều Cơ Đốc nhân “sống lâu lên lão” song vẫn trong tình trạng “con đỏ trong Đấng Christ” (I Cô – rinh – tô 3:1). Hành đạo là “xem lễ”, là tạt qua nhà thờ cho có mặt trong các giờ thờ phượng. “Ăn vóc học hay”. Thân thể, trí óc muốn phát triển bình thường còn phải ăn, phải học. Nhiều Cơ Đốc nhân tâm linh còm cõi đáng thương vì thiếu lời Chúa và thiếu cả hơi sống Thánh Linh Đức Chúa Trời. Hỡi quý Cơ Đốc nhân yêu dấu. Hãy thử tính thời gian tin Chúa, làm con của Ngài đã học được biết bao nhiêu lời Chúa. Thấy được tấn tới rõ ràng “thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến. Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Giê – xu Christ chúng ta đâu” (II Phi – e – rơ 1: 5-8). Ai lỡ trễ nải, hãy học rút mới mong Chúa tin cậy và trao cho công việc để “làm công việc Chúa cách dư dật luôn” (I Cô – rinh – tô 15:58). Hỡi quý Cơ Đốc nhân yêu dấu. Trong cơn hoạn nạn, trong khi được Chúa thăm viếng, hay trong khi Đức Thánh Linh cảm động mà chúng ta đã nguyện hứa điều gì với Ngài. Chúa chúng ta đòi hỏi: “khi ngươi hứa nguyện cùng Giê – hô – va Đức Chúa Trời ngươi, thì chớ trì hoãn làm cho xong; vì Giê – hô – va Đức Chúa Trời ngươi sẽ đòi sự hoàn nguyện ấy; bằng chẳng làm cho xong, ngươi sẽ mang lấy tội” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:21). “Khi ngươi khấn hứa sự gì với Đức Chúa Trời, chớ chậm mà hoàn nguyện; vì Ngài chẳng vui kẻ dại, khá trả điều gì ngươi hứa” (Truyền Đạo 5:4). Trễ nải với Đức Chúa Trời là tội, là dại. Nguyện hết thảy người hầu việc Chúa có được tinh thần và ý chí của thánh Phao lô: “tôi không trễ nải chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời” (Công Vụ các Sứ Đồ 20:27). Vào lúc đầu năm, tuy “ngày dài tháng rộng”, nhưng mỗi chúng ta quyết định: “tôi lật đật, không chậm trễ” (Thi Thiên 119:60). Chúa hài lòng, chúng ta khôn ngoan.

Tác giả: Mục Sư Phan Thanh Bình