Ông Trần Thuyên là Tùy Viên Văn Hóa của đại sứ quán Việt Nam tại Paris trong những thập niên 50 và 60. Giữa thập niên 60 đáp ứng tiếng gọi của Thiên Chúa, ông bỏ ngành ngoại giao, dấn thân vào công cuộc truyền bá Phúc Âm cho các dân tộc Châu Phi, đặc biệt cho người Hồi giáo ở các nước Bắc Phi. Những điều trình bày trong tập sách nhỏ này là kinh nghiệm của chính ông sau khi tin nhận Chúa Cứu Thế.

Con người, như một triết gia đã nói là loài mộ đạo. Từ lúc sơ khai, con người đã cố vươn lên để tìm một Đấng Chí Tôn, thiêng liêng cao cả. Vì vậy, trên thế giới từ cổ chí kim từ đông sang tây, đã có biết bao là tôn giáo, học thuyết, triết lý, luân lý. Sự thông minh siêu phàm và tư tưởng sâu xa của các triết gia Hy Lạp, Đức Thích Ca, Đức Khổng Phủ Tử, Lão Tử, Mặc Tử, Gandhi v..v…quả thật ít người bì kịp. Từ nay đến ngày tận thế, hẳn cũng sẽ còn bao nhiêu nhà hiền triết, thông thái dày công trầm tư mặc tưởng, suy gẫm ra nhiều triết lý, học thuyết tôn giáo khác.
Nhưng tất cả các học thuyết, hệ thống tôn giáo ấy có giải thoát được ai không, có cứu vãn được người nào không?

Cách thờ phượng thô sơ của con người thời xưa

Nhìn lại lịch sử các tôn giáo, ta nhận thấy trong các hình thức thô sơ và cục mịch của tôn giáo, thờ phượng chỉ là cố gắng cầu xin ân huệ và cảm tình của các vị thần. Con người yếu đuối đứng trước cảnh tượng rùng rợn, kinh khủng của bão táp, sấm sét, lụt lội, hạn hán, dịch bệnh, v..v…đâm ra sợ hãi và cố tìm cách giải nguôi cơn thịnh nộ và kéo về phe mình những vị thần, thánh, để họ khỏi giáng các thứ thiên tai. Họ dâng lễ vật cùng những lời van vái nài xin cho các vị thần, chẳng khác nào đem của cải đến hối lộ cho các “quan trên”. Những kẻ ấy cầu mong sức khỏe, được mùa màng, đa phú đa quý, con đàn cháu đống hoặc được xin báo thù một kẻ địch, họ gửi ước nguyện cho các vị thần và mang lễ vật đến tỏ lòng thành. Sự thờ phượng trong các hình thức thô thiển hạ tầng này trở nên một việc mua bán, trong đó kẻ “mộ đạo” trả tiền để được lòng ơn trên.
Nhưng theo người ta tin tưởng, mỗi vị thần lại thích một thứ. Thần này thích hương hoa, thần khác lại thích gạo, muối hay mùi khói của trâu dê đốt thui, có thần lại đòi cho được huyết người. Các vị thần thánh này chọn những nơi riêng để xuất hiện: một đỉnh núi, một gốc cây hay một hang đá và ở đó con người có thể gần gũi họ dễ dàng hơn. Các vị ấy có tên riêng, có dụng ngữ riêng, như những câu thần chú để cầu. Vì thế, cần phải có những nhà chuyên môn, tư tế, đạo sĩ đứng ra lễ bái, thay mặt các tín đồ dốt nát, hoặc không đủ tinh khiết đến gần thánh thần. Các thể thức thờ phượng này lưu truyền từ đời này sang đời khác và giữ gìn cẩn thận, vì cho rằng sự linh nghiệm tùy thuộc một lời kinh, một câu thần chú, phải đọc cho đúng, mà nhiều khi chính nhà đạo sĩ cũng không hiểu nghĩa, tùy thuộc cách quỳ lạy bên trái hay bên phải bàn thờ, hai bước tiến hay một bước lùi và tùy thuộc một nghi lễ được cử hành đúng phép hay không. Nói tóm lại, trong các cách thờ phượng của con người thô sơ, những cử chỉ bên ngoài, những hình thức quy định các nghi lễ rất là quan trọng.

Tư tưởng của triết gia duy vật Karl Marx cho rằng “con người làm nên tôn giáo, chớ không phải tôn giáo làm nên con người” chỉ đúng cho loại tôn giáo nói trên.
Tuy nhiên không phải tôn giáo chỉ có thế. Sự kiện tôn giáo là một sự kiện phổ biến, phổ thông, bao trùm mọi dân tộc, qua các nền văn minh khác nhau, một cách hoàn toàn độc lập đối với các chính thể và chế độ kinh tế ở tất cả các thời đại. Sự kiện tôn giáo này có thể được diễn ra trong nhiều tôn giáo, dưới nhiều hình thức thô sơ, sai lầm, ngây ngô, nông nổi, phản ảnh một trạng thái tinh thần hay một văn hóa của một thời đại. Sự kiện ấy chứng tỏ tôn giáo làm thỏa mãn một nhu cầu sâu xa, chủ yếu của thiên tánh con người.
Vậy, tôn giáo là gì? Tất cả những mối quan hệ, liên lạc giữa người với Trời làm nên tôn giáo chân chính. Đứng trước vũ trụ bao la, con người bé nhỏ như sâu, kiến, trí khôn hữu hạn, làm sao biết được, hiểu được Trời là Đấng Tạo Hóa, Đấng Chúa Tể muôn loài vạn vật, Đấng vạn năng, cao vời, xa cách, để có những mối thông giao đứng đắn, mực thước theo chân lý và lẽ phải của Trời? Không con người không thể hiểu được Thượng Đế nếu chính Thượng Đế không tỏ ra cho người hiểu.
Trong quá khứ, Ngài đã tự khải thị cho Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, cho các nhà tiên tri và qua các người này, Ngài đã phán dạy cho cả một dân tộc hiện nay còn tồn tại để làm nhân chứng sống, tức là dân tộc Do Thái. Ngài đã chỉ bảo tường tận cho dân tộc này phải thờ phượng Ngài như thế nào, đối xử với Ngài làm sao cho phải lẽ.
Tất cả những điều khải thị, phán dạy ấy trước kia chỉ là hình ảnh tượng trưng cho những điều sắp đến, nghĩa là đến khi chính Thượng Đế giáng thế làm người qua Chúa Cứu Thế Giê-su. Ngài đến để giải cứu nhân loại đang quằn quại trong tội lỗi và đêm tối, để cho con người biết lòng yêu thương vô biên của Thượng Đế đối với loài người, và để lập nên một Hội Thánh, giáo hội của Chúa Cứu Thế Giê-su, hầu cho hội này tiếp tục sứ mệnh của Ngài, truyền bá và giảng dạy chân lý cho muôn dân. Tôn giáo của Chúa Cứu Thế Giê-su chính là mối liên lạc, quan hệ giữa cá nhân với Thượng Đế, liên lạc trong sự hiểu biết, trong lòng yêu thương trong đức tin để đáp lại lòng yêu thương của Thượng Đế chân thật và hằng sống. khi Chúa Cứu Thế Giê-su đến, thời tối tăm với những hình bóng lu mờ đã qua, nhường chỗ cho thời đại của sự thật, thời của “ sự khải thị của Thượng Đế trong bản thể Chúa Cứu Thế”. Cho nên người không thể hiểu được Trời nếu không nhờ Chúa Cứu Thế, vì Ngày đã dạy rằng: ” Ta là Đường Đi, Chân Lý và Nguồn Sống, không nhờ ta thì không ai đến được cùng Chúa Cha.”
Bức màn tối tăm, dày đặc của các mê tín dị đoan nói trên đã đè nặng lên nhân loại qua biết bao thế kỷ, may thay đã nhờ ánh sáng của Chúa Cứu Thế Giê-su mà bị phá tan! Cả đến những tượng trưng, hình bóng trong cách tế lễ của thời Cựu Ước cũng phải chấm dứt và nhường chỗ cho “hình thật của sự vật” do Tân Ước mở đầu. Với Chúa Cứu Thế Giê-su, thời tối tăm của những thánh địa, những ngày linh thiêng, húy kỵ, những phù chú ma giáo, những cúng tế lễ lạc đã qua rồi. Với Chúa Cứu Thế Giê-su có giải thoát, tự do, ánh sáng và sự thật. Chằng có riêng nơi nào là thánh cả, vì mỗi nơi đều là thánh, và Chúa Cứu Thế dạy rằng muốn cầu nguyện, không cần phải đi đâu, hãy vào phòng riêng đóng cửa lại là đủ, và nơi nào có hai ba người nhân danh Chúa Giê-su mà họp lại, thì Ngài ở ngay giữa họ. Không còn ngày nào là ngày lễ trọng, ngày kỵ, song mỗi ngày đều là ngày của Chúa, và ta phải thờ phượng Ngài không phải chỉ trong buổi lễ Chúa nhật, nhưng là mỗi ngày, mỗi giờ trong đời ta, không còn có những câu kinh máy móc đọc lên như lời thần chú, là tưởng đủ linh nghiệm, nhưng cầu nguyện là hầu chuyện cùng Chúa, cốt nhất là nghe Chúa phán dạy. Không còn phải kiêng khem chay hay mặn, vì mỗi thức ăn cũng như mọi vật Thượng Đế tạo nên “đều tốt lành cả, không một vật chi đáng bỏ, miễn là mình cảm ơn và nhận lấy ăn là được, vì nhờ Lời Thượng Đế và lời cầu nguyện mà vật đó được thánh hóa.”
Chỉ người nào có “tay trong sạch và lòng thanh khiết”, nghĩa là người hoàn toàn thánh thiện, mới có thể vào nơi chí thánh, đứng trước mặt Chúa được. Đã là người ai ai cũng ô uế, ai ai cũng phạm tội. Hạnh phúc thay đã có Chúa Cứu Thế Giê-su độc nhất, là Đấng Thánh và Công Chính, sau khi hoàn thành chương trình cứu chuộc loài người bằng cách đổ huyết vô tội trên thập tự giá, Ngài đã sống lại và lên trời, ngồi bên hữu Thượng Đế. Bất cứ người nào tin tưởng nơi Ngài, đặt hết hy vọng vào Ngài, nhận Ngài làm Cứu Chúa, đều được hưởng ơn phúc cứu chuộc do Ngài thực hiện. Nhờ Chúa Cứu Thế, người đó được “xưng công chính”, được kể là “thánh”, và vì thế cũng được vào tận nơi chí thánh. Cho nên không còn thầy cúng đạo sĩ riêng biệt để lo việc thờ phượng, mà tất cả tín đồ đều là thầy tế lễ, không phân biệt chi hết, vì tất cả đã được Chúa Giê-su tẩy uế, chuộc tội, nên có quyền đến gần Thượng Đế, là Cha Thiên Thượng.
Tín đồ được quyền ấy nhờ Chúa Cứu Thế Giê-su là thầy tế lễ tối cao. Thời xưa, số tư tế lo việc tế lễ rất đông, vì họ phải chết, không sống mãi để giữ chức vụ. Nhưng Chúa Giê-su là Vị Tư Tế tuyệt vời, vì Ngài hằng sống đời đời, nên giữ vĩnh viễn chức tế lễ không hề thay đổi, không cần truyền lại cho ai. Ngài sống đời đời để làm “Luật Sư Biện Hộ” cho ta, cầu thay với Thượng Đế, bởi vì chỉ có Chúa Cứu Thế là Đấng Trung Gian độc nhất vô nhị giữ Thượng Đế và loài người.

Thờ Thần Tượng

Mò mẫm giữa đêm tối của dị đoan, trong sự cố gắng tự mình đi tìm Đấng Cao Cả, con người đã phải tự tạo ra những hình ảnh chính tay họ vẽ, những bức tượng do họ làm nên, vụng về hay khéo léo tùy theo trình độ văn minh và nghệ thuật, rùng rợn, khủng khiếp hay thanh lịch, đẹp đẽ tùy quan niệm mỗi dân tộc về tinh thần, cốt để mô phỏng, tượng trưng những vị thần của họ, rồi quỳ lạy trước những hình tượng ấy, và thờ phượng những vật do tay họ tạo nên.
Quả như tiên tri Ê-sai đã nói: “Những thợ chạm tượng đều là hư vô, việc họ rất ưa thích chẳng có ích gì…Thợ rèn lấy một thỏi sắt nung lên than lửa, dùng búa mà đập, dùng cánh tay mạnh mà làm…Thợ mộc đẽo bằng cái chàng, đo bằng cái nhíp, làm nên tượng người, giống hình người tốt đẹp để ở trong một cái nhà…Gỗ dùng mà đun, mà sưởi, đun lửa hấp bánh, lại cũng lấy gỗ mà làm một vị thần, rồi thờ lạy trước mặt nó. Họ đun đi phân nửa trong lửa, còn phân nửa thì dùng nướng thịt, ăn cho no, hoặc sưởi cho ấm. Đoạn, gỗ thừa còn lại đem làm một vị thần, tức là tượng chạm, cúi mình trước mặt thần tượng đó mà thờ lạy, cầu nguyện nó mà rằng: Xin giải cứu tôi, vì Ngài là thần của tôi!…Những người ấy không biết và không suy xét, chẳng ai suy đi nghĩ lại, khôn ngoan nhận định: ” Ta lại đi cúi mình lạy một khúc cây sao?”
Tiên tri Giê-rê-mi cũng đã lên tiếng khuyên răn dân Do Thái nên nghe lời phán dạy của Thượng Đế, đừng làm theo thói tục của dân ngoại, vì “thói quen của các dân ấy chỉ là hư không. Người ta đốn cây trong rừng, tay thợ lấy búa mà đẽo, rồi lấy bạc, vàng mà trang sức, dùng búa mà đóng đinh vào, để khỏi lung lay. Các thần ấy không biết nói, không biết đi, nên phải kiêng. Đừng sợ các thần ấy, vì không có quyền làm họa hay làm phước.”
Tại thành phố A-thên, thủ đô nước Hy Lạp, sứ đồ Phao-lô đã giảng dạy cho dân chúng biết: “Thượng Đế, Đấng sáng tạo vũ trụ và vạn vật, là Chúa của trời đất nên không ngự trong đền thờ do tay người xây dựng. Đã là dòng dõi của Thượng Đế, chúng ta đừng lầm tưởng Thượng Đế giống như vàng bạc hoặc đá được chạm trổ do nghệ thuật và sáng kiến của loài người. Trước kia loài người không biết Chúa, Ngài đã rộng lòng tha thứ.”
Các thời tối tăm đã qua, ta đã rõ Thượng Đế không phải là một khúc cây, một mẩu vải, một bình vôi, hay là một hình tượng dầu bằng vàng, bạc hay kinh cương. Trong mười điều răn của Thượng Đế, thì điều thứ hai nghiêm cấm: “Người chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống như những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp này, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó và cũng đừng hầu việc chúng nó.” Theo lời Chúa Cứu Thế Giê-su dạy người đàn bà Sa-ma-ri, chúng ta hiểu rằng: “Thượng Đế là thần linh, nên ai thờ lạy Ngài, thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.”

Đức Tin Nơi Chúa Cứu Thế

Thời tăm tối đã qua, Thượng Đế chỉ đòi hỏi chúng ta ăn năn, hối cải, bỏ đời cũ mà theo Chúa Cứu Thế, phó thác cuộc đời, đặt hết tin tưởng vào Ngài, thì Ngài sẽ ngự trong lòng ta. Đấng đã chết và đã sống lại, cũng sẽ làm cho ta chết về đời cũ và “sống lại bên trong” cho cuộc đời vĩnh cửu. Ngài sẽ ngự trong lòng ta bởi Thánh Linh và sẽ sống trong ta. Lúc ấy, ta chỉ biết một điều: “Kính mến Chúa hết lòng và yêu thương người khác như mình.” Sự sợ hãi khủng khiếp của tên nô lệ thời xưa rạp mình dưới bụi đất đã biến mất, và đây chỉ còn lòng yêu thương và sự vâng lời của người con của Chúa. Tên nô lệ đã trở thành con yêu dấu. Vì vậy, trong Chúa Cứu Thế, ta được nhiều hơn là một tôn giáo gồm những tín điều và nghi thức. Ta có Chúa Cứu Thế ngự trị trong lòng, Chúa Cứu Thế là Đấng đã rửa sạch tội lỗi ta và đem ta vào một đời sống mới do đức tin, hy vọng và lòng yêu thương tạo thành. Đạo của Chúa Cứu Thế trước nhất là đời sống mới trong sự tương quan với Thượng Đế và với người chung quanh. Đức tin nơi Chúa Cứu Thế trước nhất là một kinh nghiệm tâm linh, những ai đã tin Chúa sẽ thấy trong mình có một tâm linh mới, và Đức Thánh Linh thay đổi hẳn cuộc đời cũ.
Sứ đồ Phao-lô đã hiểu rõ điều này và cũng đã dày công chống lại các hình thức mục nát của tôn giáo, là những chướng ngại nặng nề cho đời sống thiêng liêng, hầu cho các tín đồ có thể trực tiếp nhờ Chúa Cứu Thế và mở lòng ra để nghe lời Thánh Linh phán dạy. Ta hãy đọc các bức thư sứ đồ Phao-lô gửi cho các Hội Thánh sẽ thấy rõ các điểm này.
Nhưng con người hay theo thói quen, và những tập quán về tôn giáo lại càng khó bãi bỏ. Vì thế, Phúc Âm đã được rao truyền từ thế kỉ 20 mà nhiều kẻ tự xưng là tín đồ của Chúa vẫn chưa hiểu rằng chúng ta được cứu là nhờ ân phúc Chúa. Chúa yêu thương ta trước, chứ không phải vì ta tu hành đắc đạo, diệt xác, hãm mình, kiêng khem đúng ngày, đúng tháng. Thậm chí có người cho rằng chịu lễ báp-têm là tức khắc hết tội, như tuồng trong nước dùng làm Thánh lễ có phép nhiệm mầu (giống như tàn hương, nước thải) rửa sạch ô uế tội lỗi. Sự thật chỉ do ăn năn, hối cải và tin Chúa Cứu Thế mà ta được tha tội và phục hòa với Thượng Đế. Theo như sứ đồ Phê-rơ đã viết trong bức thư gởi cho tín hữu Do Thái và ngoại bang (chương 3 câu 21), lễ báp-têm là biểu tượng của sự cứu rỗi, chớ “chẳng phải sự làm sạch ô uế của thân thể.” Sứ đồ Phao-lô cũng đã nói trong thư gửi cho tín hữu La Mã và Cô-lô-se rằng lễ báp-têm tượng trưng cho sự đồng nhất giữa Chúa Cứu Thế và kẻ tin nhận Ngài: Họ đồng chết với Chúa và sống lại với Chúa trong vinh hiển của cuộc đời tái sinh. Như vậy, không phải chịu lễ báp-têm để được cứu, song đã được cứu nên mới chịu lễ báp-têm. Đức tin đi trước lễ báp-têm vậy.
Nhiều người tưởng theo một tôn giáo, gia nhập một nhà thờ và nhận hết các thánh lễ, bí tích, là đủ để được cứu rỗi.
Sự thật thì không đạo nào, không Giáo Hội nào có thể cứu ai được, cũng như không có nên luân lý, triết lý, đạo đức nào giải thoát được con người. Con người sinh ra vốn đã hư hỏng và phạm tội. Dù con người nguyên thủy do Thượng Đế tạo nên theo hình ảnh Ngài, nhưng vì bất tuân lệnh Trời nên đã sa vào tội lỗi. Tất cả loài người về sau đều phạm tội, không trừ một ai. Mặc dù văn mình, có giáo dục, có luân lý, con người ở thế kỉ này bản tâm cũng không tốt gì hơn con người tiền sử: thời ăn lông ở lỗ, con người giết nhau bằng đá, bằng gậy, thời nay con người giết nhau bằng bom nguyên tử, bom khinh khí. Sự thay đổi ấy do văn minh, khoa học đem lại.
Luân lý, triết lý hay một hệ thống tôn giáo có thể đem lại những gì cho con người, khi dục vọng, kiêu căng, ích kỉ luôn luôn đè nặng trên mình và kẻ khác?
Luân lý đặt ra những luật lệ, nhưng không giết được tham vọng trong lòng người. Triết lý nêu ra những quan niệm về vũ trụ nhân sinh, nhưng không giảng giải nổi cho con ngời về chính tấm lòng của họ.
Các hệ thống tôn giáo đặt ra tín điều, những giáo lệnh buộc tín đồ theo mọi nghi thức, nhưng không diệt bỏ được tội lỗi ở ngay trong tâm họ, Nói tóm lại, con người vốn đã hư hỏng, đã phạm tội, đã là “ con của sự thịnh nộ” rồi và cả luân lý, triết lý, mực thước đạo đức của thế gian do loài người đặt ra không giải thoát được con người. Con người đã do một Đấng Cao Cả sáng tạo, nên con người cũng không thể tự mình cứu lấy mình.
Con người đầy tội lỗi, không tự giải thoát được dù đã cố gắng bằng đủ mọi cách, vươn mình lên để tìm một Đấng thiêng liêng cao cả. Nhưng Đấng tạo hóa tức là Thượng Đế, từ trời hạ mình xuống mặt đất để cứu vớt chúng ta, Ngài giáng phàm làm Đấng Cứu Thế. Sự kiện này quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại và là đặc tính của Phúc Âm. Ta có thể tóm tắt như sau:

TRỜI TRỜI

NGƯỜI NGƯỜI
(Luân lý, triết ly, tôn giáo) (Phúc âm)

Chúa Cứu Thế giáng phàm, trong một thể chất như ta, cũng chịu đói, chịu khát, cũng đau khổ, cũng bị cám dỗ như ta. Nhờ Chúa Cứu Thế, Thượng Đế đã trở nên gần gũi với chúng ta, không còn là một Đấng Thần Linh xa vời, không thể hiểu biết, không thể đo lường. Nhờ Chúa Cứu Thế ta được đến với Thượng Đế là Cha Thiên Thượng, và nhận lãnh lòng yêu thương của Chúa.
Phúc âm không còn là một lý thuyết vu vơ nữa, mà là một Người (Chúa Cứu Thế) đã sống trên mặt đất, ngang tầm ta. Nhưng người ấy với Thượng Đế là một, và khi Quỷ Vương muốn bắt người khuất phục dưới uy lực của nó, liền chạm phải quyền lực của chính Thượng Đế.
Vậy nên Chúa Cứu Thế Giê-su, Đấng đã chế ngự được quỷ vương, chính là Con Người Chúa Tể vạn vật, làm chủ được vật chất, và ban sự sống đời đời cho nhận loại. Nếu chúng ta sống trong Chúa Cứu Thế Đấng đã toàn thắng Quỷ Vương, chúng ta sẽ không còn bị khuất phục dưới uy lực của nó nữa.
Kết quả của tội lỗi là sự chết. Người phạm tội thì phải chết. Nhưng Cha Thiên Thượng yêu ta, muốn ta sống, nên chính Con Một của Ngài là Chúa Cứu Thế phải chịu chết thay ta để chuộc tội cho ta.
Ôi, nhiệm màu cao cả! Ôi yêu thương vô biên! Thượng Đế đã hạ mình xuống ngang tầm ta, đến với ta nói cùng ta và kêu gọi ta. Ở nơi Chúa Cứu Thế, Ngài tái tạo và cứu chuộc con người hư hỏng. Bởi thập tự giá, Ngài biến con người tội lỗi thành một kẻ đầy ân phúc. Do sự phục sinh của Chúa Cứu Thế, tử thần bị đánh bại, và Ngài đem tất cả những kẻ đã tin Ngài vào trong sự sống vinh hiển đời đời.
Tin Chúa Cứu Thế Giê-su, đó là tất cả vấn đề. “ Hãy tin Đức Chúa Giê-su thì ngươi sẽ được cứu rỗi.” Ta được cứu không phải vì đời ta đạo hạnh, không phải vì ta lập công đức, làm phước thiện, nhưng ta được cứu chỉ nhờ huyết báu của Chúa Cứu Thế mà thôi, như lời sứ đồ Phi-e-rơ đã nói rất rõ: “Thượng Đế đã trả giá rất cao để cứu chuộc anh em khỏi nếp sống lầm lạc của tổ tiên. Không phải trả bằng bạc, vàng dễ mất, mau hư nhưng bằng huyết quí báu của Chúa Cứu Thế.” Chúa Cứu Thế tha thứ tội ta, bởi chính Ngài đã đền tội thay cho ta trên thập tự giá, Chúa Cứu Thế tẩy sạch bản chất ta, biến đổi ta thành một người mới, cho ta an bình, hạnh phúc và sự bất diệt ngay từ bây giờ, giải thoát ta ở ngay thế gian này và đem ta vào cuộc đời vĩnh cửu.
Chỉ một mình Chúa Cứu Thế có sự cứu rỗi mà thôi: “Ngươi sẽ sinh ra một trai, người đặt tên là Giê-su, vì chính Con Trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.” Và “ngoài Chúa Cứu Thế Giê-su, không ai có quyền năng cứu rỗi loài người, vì dưới bầu trời này, chúng ta không thể kêu cầu danh nào khác để được cứu rỗi.”

Đến cùng Chúa Cứu Thế

Muốn đến cùng Chúa Cứu Thế, bạn không cần phải có những lý thuyết hay. Tất cả những lý thuyết, tư tưởng của con người, dù thông thái cao siêu đến đâu đối với Thượng Đế, cũng chỉ là cỏ rác, cát bụi. Thượng Đế đã phán: “Ý tưởng Ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối Ta.” Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi, và ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.”
Bạn chỉ cần đến cùng Chúa Cứu Thế với sự khiêm cung và lòng thành kính. Bạn cũng không cần phải làm những việc công đức thánh thiện nào, vì đối với Thượng Đế, không có hành động nào của bạn dù cao quý đến đâu mà không bị ô uế vài phần. Vả lại, Chúa Cứu Thế đến không phải để cứu những người tự cho mình là thánh thiện, mà để cứu những người tội lỗi. Vậy, bạn cứ đến với Ngài trong tình trạng hiện tại, nghĩa là một con người tội lỗi.
Bạn cũng chẳng cần ai làm trung gian. Trong kế hoạch Thượng Đế dự tính cứu nhân loại, thì Chúa Cứu Thế Giê-su chính là ĐẤNG TRUNG GIAN độc nhất vô nhị giữa trời và người. Kinh Thánh dạy rằng Chúa Cứu Thế là Vị Đại Tư Tế độc nhất, không cần tư tế người phàm nào nữa. Chúa Cứu Thế giáng trần, mang thể chất như ta để được gần gũi ta, chịu chết trên thập tự giá để chuộc hết các tội lỗi ta và đã phục sinh để làm luật sư bênh vực cho ta ở trên trời, chính Ngài muốn ta đến thẳng với Ngài, cầu nguyện với Ngài, không cần một kẻ trung gian nào khác.
Không cần đến với Thượng Đế của các nhà triết học, bác học, luân lý học, Thượng Đế của Aristote, của Spinoza, của Frank Buchman, mà đến thẳng với Thượng Đế của Chúa Cứu Thế Giê-su.
Một khi đã tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, chúng ta được làm con của Thượng Đế. Trên đời còn có điều gì sung sướng hơn, có chức vụ gì vinh diệu hơn, có ân phúc nào quí hóa hơn là được làm con của Chúa? Chúng ta được làm con không phải vì chúng ta xứng đáng, tinh khiết, thánh thiện. Chúng ta được làm con chỉ vì lòng từ ái bao la của Chúa, Chúa đã yêu chúng ta trước và cứu chuộc ta bởi Con Một của Ngài.
Chúa là tình yêu. Vì yêu ta, vì biết ta không thể tự cứu được, Chúa Cứu Thế Giê-su đã phải giáng sinh trong một thể chất như ta, chịu thân phận của kẻ yếu hèn, kẻ nghèo đói, kẻ bị ức hiếp, kẻ bị chà đạp. Chúa chịu chết trên thập tự, để dâng huyết Ngài chuộc tội cho bạn, cho tôi và cho cả nhân loại. Phúc Âm không phải là một lý thuyết, cũng không phải là một sự kết hợp của nhiều lễ nghi. Phúc Âm là một con đường, một cách sống, là một cuộc đời phải sống, một cuộc đời mà mỗi ngày, mỗi giờ là một bằng chứng về tình yêu bao la của Chúa. Người theo Chúa phải dấn thân, phải quên mình, phải hòa mình vì Chúa, để chỉ còn sống với Chúa. Theo Chúa nghĩa là biết yêu người khác như yêu mình, vì họ cũng do một Chúa tạo ra.
Công tử Khánh Kỵ vị anh hùng của thời chiến quốc, bị dũng sĩ Yếu Ly hạ sát trên mạn thuyền, trước khi chết còn ra lệnh cho quân sĩ đang muốn phanh thây kẻ sát nhân: “Hay tha cho Yếu Ly”
Tha thứ cho kẻ thù, quả là một cử chỉ anh hùng, đầy lòng hào hiệp, cao thượng. Nhưng Chúa lại đòi hỏi hơn thế nữa. Chúa không những bảo ta phải tha thứ bảy mươi lần bảy, mà lại còn dạy ta phải YÊU THƯƠNG KẺ THÙ, chúc phước cho kẻ nói xấu ta, làm ơn cho kẻ ghét bỏ ta, cầu nguyện cho kẻ hành hạ, áp bức đày đọa ta. Là người theo Chúa nghĩa là làm cho kẻ khác nhận thấy Chúa trong ta, không phải chỉ bằng lời nói suông, mà bằng cử chỉ, tính tình, đời sống, hành vi đối với người khác. Tình yêu của ta đối với Chúa phải thể hiện bằng cách yêu thương người khác. Sứ đồ Giăng đã nói: “Dù chúng ta chưa thấy được Thượng Đế, nhưng một khi chúng ta yêu thương nhau, thì Thượng Đế sống trong chúng ta, và tình yêu Ngài trong chúng ta càng tăng thêm mãi.”
Tình yêu là một khí giới vô cùng mãnh liệt, chỉ có tình yêu mới đánh tan được lòng ganh ghét, ti tiện, oán hờn, thù nghịch. Chỉ có tình yêu thật mới là dấu hiệu của con người theo Chúa Cứu Thế.
Tôi khẩn thiết nài khuyên bạn tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình. Hãy theo Chúa, chỉ theo Ngài mà thôi.

Trần Thuyên

*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:

” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”

www.vietchristian.com/niengiam/